Kết quả cũng như lợi ích của việc chỉnh nha ở từng độ tuổi sẽ có sự khác biệt. Nên niềng răng cho trẻ ở độ tuổi nào? Người lớn có niềng răng được không? Đây là hai trong những câu hỏi mà rất nhiều người quan tâm.
Bác sĩ CKI Võ Văn Minh Hoài, Trung tâm Nha khoa Vạn Hạnh sẽ giúp chúng ta giải đáp vấn đề này.
Độ tuổi niềng răng tốt nhất
Bác sĩ Võ Văn Minh Hoài thông tin, theo Hiệp hội Chỉnh nha Hoa Kỳ, độ tuổi thích hợp để tầm soát răng miệng và niềng răng cho trẻ là từ 6 - 12 tuổi. Lý do như sau:
Thứ nhất, từ 6 - 12 tuổi là thời điểm xương hàm đang phát triển. Việc khám nha khoa định kỳ 6 tháng/lần giúp chúng ta phát hiện những sai lệch của xương hàm như là hô, móm, hẹp hàm, những lệch lạc chức năng, thiếu răng, dư răng hoặc các thói quen xấu ở trẻ.
Thứ hai, lứa tuổi từ 6 - 12 tuổi là giai đoạn thay răng từ bộ răng hỗn hợp sang bộ răng vĩnh viễn. Khi trẻ thay những chiếc răng sữa đầu tiên, bác sĩ nha khoa tổng quát sẽ khám và có thể phát hiện những sai lệch của xương hàm để khuyên bạn đưa bé đến gặp bác sĩ chỉnh nha.
Bác sĩ chỉnh nha sẽ dựa vào lâm sàng, phim X-quang, phim sọ nghiêng để giải thích những chi tiết để bạn nắm rõ về tình trạng răng của bé. Vì độ tuổi này xương hàm đang phát triển, bác sĩ dựa vào dự đoán tăng trưởng, theo dõi tình trạng mọc răng nhằm định hướng răng mọc đúng vị trí, giúp trẻ thay răng thuận lợi.
Ngoài ra, khi phát hiện những thói quen xấu ở trẻ bác sĩ sẽ có tư vấn để giúp nụ cười của bé được hoàn thiện trong tương lai.
Khó khăn, bất lợi khi niềng răng ở người lớn
Bác sĩ Võ Văn Minh Hoài cho biết, thực tế là đối với người trưởng thành, chúng ta không có giới hạn về độ tuổi niềng răng. Thông thường từ 6 - 50 tuổi, thậm chí là lớn hơn 50 tuổi đều được điều trị chỉnh nha. Miễn là răng và nướu của bạn đủ khỏe mạnh.
Tuy nhiên, xương hàm của người lớn đã phát triển hoàn chỉnh. Do đó việc điều chỉnh sẽ mất nhiều thời gian hơn so với trẻ em.
Thêm nữa, người lớn tuổi thường chỉnh nha để làm điều kiện tiền phục hình. Bác sĩ phục hình sẽ chuyển cho bác sĩ chỉnh nha để dựng trục hoặc làm thẳng những cái răng này trước khi làm phục hình để cắm implant hoặc làm cầu răng hoặc “mặc áo” sứ cho bệnh nhân.
Bác sĩ CKI Võ Văn Minh Hoài
Trung tâm Nha khoa Vạn Hạnh
Theo dõi chuyên mục Khỏe của VOH để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích!