Tiêu điểm: Nhân Humanity

Sả, muối kết hợp nước cốt mía điều trị cúm A/H1PDM có hiệu quả?

VOH - Mạng xã hội đang lan truyền thông tin dùng sả, muối hạt nấu với nước cốt mía có thể điều trị được bệnh cúm A/H1PDM. Thực hư thông tin này như thế nào?

Bệnh cúm nói chung và cúm A/H1PDM nói riêng nếu được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ không gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Tuy nhiên, các triệu chứng của cúm A/H1PDM có thể khiến người bệnh khó chịu, mệt mỏi kéo dài. Do đó, một số người truyền tai nhau việc dùng sả đập dập, thêm một chút muối đem nấu với nước cốt mía sẽ có thể chữa bệnh cúm A/H1PDM hiệu quả.

voh-chua-cum-ah1pdm-theo-cach-dan-gian-1
Dân gian truyền tai nhau phương pháp chữa cúm A/H1PDM bằng muối, sả và mía

Tuy nhiên, theo TS.BS Nguyễn Thị Sơn, Nguyên Giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM, điều đầu tiên nhất mà người bệnh cần nhớ khi bị nhiễm cúm A/H1PDM là phải cố gắng bù đủ nước. Việc bù đủ nước và chất điện giải sẽ giúp người bệnh hạ sốt cũng như nâng đỡ cơ thể.

Lượng nước bù cho cơ thể có thể là nước lọc hoặc các loại nước khác, ví dụ như bài thuốc dân gian kể trên. Mía khi đem nấu nước thì chúng ta có thêm thành phần đường và nếu có thêm một ít sả và một tí muối là chúng ta bổ sung được những chất khoáng cần thiết và nước cho cơ thể.

Hơn thế, các nguyên liệu trên khi kết hợp cùng nhau sẽ tạo ra một mùi vị khá dễ chịu khi uống, nhưng bài thuốc trên hoàn toàn không có tác dụng điều trị cúm.

Chỉ có thành phần sả là có tác dụng giúp làm sạch đường hô hấp và bảo vệ niêm mạc đường hô hấp của cơ thể. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, trong sả và gừng có chứa hoạt chất có khả năng kháng viêm, kháng khuẩn và kháng virus.

Thế nhưng, với những người đã bị nhiễm cúm thì không nên dùng. Nghĩa là, người bệnh không dựa vào những bài thuốc dân gian để điều trị cúm mà điều cần làm là người bệnh nên theo dõi diễn tiến bệnh.

Nếu muốn, người bệnh có thể nấu các nguyên liệu trên để dùng làm nước uống hoặc đem xông. Đây là một hình thức giúp vệ sinh đường hô hấp, từ đó nâng cao sức khỏe tổng thể được tốt hơn. Đồng thời, cần phải kết hợp với việc theo dõi diễn tiến bệnh để có thể kịp thời phát hiện sớm những bất thường và điều trị nhanh chóng, hiệu quả.

TS.BS Nguyễn Thị Sơn

Nguyên Giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM

voh-cum-ah1pdm

Theo dõi chuyên mục Khỏe của voh.com.vn để cập nhật những bài viết hữu ích.

Bình luận