Chờ...

Say nắng, say nóng: Chủ quan coi chừng mất mạng!

VOH - Say nắng, say nóng là tình trạng thường gặp vào mùa hè, nhất là những ngày nắng nóng cao điểm. Nhưng nhiều người vẫn chưa biết cách xử trí khi gặp tình trạng này.

Nhiệt độ tăng cao khiến số người đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế liên tục tăng. Trong đó, say nắng, say nóng là hiện tượng xảy ra phổ biến vào mùa hè không chỉ khiến cho cơ thể cảm thấy mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu mà còn có thể gây ra đột quỵ, thậm chí là tử vong. 

Say nắng, say nóng nguy hiểm như thế nào?

Khi nhiệt độ môi trường tăng cao, cơ thể đổ mồ hôi rất nhiều để giảm nhiệt độ. Nhưng nếu không thể điều hòa thân nhiệt sẽ gây ra tình trạng mất nước. Điều này khiến máu bị cô đặc, quá trình tuần hoàn máu kém, việc nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể bị rối loạn. Từ đó gây nên các triệu chứng như khó chịu, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn…; nặng hơn là di chứng thần kinh không hồi phục, tổn thương đa cơ quan hoặc đột quỵ.

Cụ thể, say nắng, say nóng khiến hoạt động của hệ thống tuần hoàn bị rối loạn, gây nên một số phản ứng sau:

  • Hạ huyết áp: lúc này, máu không đủ để nuôi dưỡng não bộ, tức hệ thống thần kinh trung ương. Nếu kéo dài sẽ khiến thần kinh bị tổn thương vĩnh viễn, khả năng phục hồi kém, thậm chí là tử vong.
  • Tăng vọt huyết áp: gây vỡ mạch máu não, tổn thương não bộ, một số người sẽ bị đột quỵ ngay tại chỗ và có thể tử vong. 
  • Ảnh hưởng tim mạch: với những người mắc các bệnh lý mãn tính như bệnh lý mạch vành, xơ vữa động mạch... có thể gây đột quỵ tim. 

Việc hô hấp kém cộng thêm tuần hoàn máu kém là những yếu tố gây tổn thương nặng nề hoặc vĩnh viễn cho hệ thống thần kinh. Từ đó dễ đưa đến tình trạng đột quỵ và có thể tử vong.

voh-say-nang-say-nong-chu-quan-coi-chung-mat-mang
Nắng nóng gay gắt khiến nhiều trẻ đổ bệnh - Ảnh: Báo Sức khỏe & Đời sống

Cách xử trí khi bị say nắng, say nóng

Xử trí nhanh và đúng cách tình trạng say nắng, say nóng sẽ ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm. 

  • Khi nhiệt độ cơ thể người bệnh tăng cao hơn bình thường, cần đưa người đó đến nơi thoáng mát rồi cho nằm xuống, sau đó quạt nhẹ để thông gió.
  • Cởi nới quần áo của người bệnh giúp thoáng khí.
  • Sử dụng khăn mát đắp lên cổ, gáy, nách, bẹn - các vùng tỏa nhiệt nhanh - giúp thân nhiệt hạ xuống. Không nên đắp nước đá sẽ gây tăng co, không tốt cho người bệnh.
  • Trường hợp người bệnh còn tỉnh táo có thể cho họ uống từng ngụm nước nhỏ để cơ thể hấp thụ tốt hơn. Ngoài nước lọc, có thể dùng nước chanh hoặc nước dừa pha một chút muối, nước chanh muối… giúp bổ sung nước, chất điện giải và những chất cần thiết khác.
  • Trong quá trình sơ cứu, nếu thấy người bệnh không phản ứng tốt, nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Lúc này, các bác sĩ sẽ tiến hành truyền dịch để bổ sung nước, chất điện giải, giúp người bệnh mau chóng phục hồi sức khỏe, tránh ảnh hưởng đến hệ thống tuần hoàn, hô hấp cũng như thần kinh. 
voh-say-nang-say-nong-mua-nang-nang

TS.BS Nguyễn Thị Sơn

Nguyên Giảng viên Đại học Y Dược TPHCM

Hãy cùng theo dõi voh.com.vn - Khỏe để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.