Nhận biết và cải thiện tình trạng teo tinh hoàn

(VOH) - Teo tinh hoàn là một trong những bệnh lý rất phổ biến, ảnh hưởng trực tiếp tới chức năng sinh sản ở nam giới. Vậy tinh hoàn bị teo do đâu và có chữa trị được không?

Tinh hoàn nằm ở giữa dương vật và hậu môn, là nơi sản xuất và lưu trữ tinh trùng, đồng thời đảm nhiệm vai trò sản sinh nội tiết tố nam testosterone. Nếu tinh hoàn bị tổn thương hoặc hình dạng thay đổi bất thường đều gây ra những biến chứng nguy hiểm. 

1. Teo tinh hoàn là gì?

Teo tinh hoàn là tình trạng co rút mô một bên tinh hoàn, kích thước nhỏ hơn so với bên kia hoặc tinh hoàn cả 2 bên đều co nhỏ lại do mất một số tế bào mầm có nhiệm vụ sản sinh tinh trùng và tế bào Leydig tham gia sản xuất hormone testosterone.

2. Triệu chứng của teo tinh hoàn

Teo tinh hoàn có thể xảy ra ở nam giới trong bất cứ độ tuổi nào và nhìn chung sẽ có những biểu hiện nhận biết sau đây: 

2.1. Kích thước tinh hoàn nhỏ

Thông thường, tinh hoàn có chiều dài từ 3 - 4.5 cm, rộng từ 2 - 3 cm, nếu kích thước tinh hoàn nhỏ hơn tiêu chuẩn này thì tinh hoàn sẽ co lại vì các tế bào bên trong bị xơ hóa, dẫn đến teo nhỏ. 

nhan-biet-va-cai-thien-tinh-trang-teo-tinh-hoa-voh-0
Tinh hoàn có thể teo nhỏ một bên (Nguồn: Internet) 

2.2. Lông không phát triển

Tinh hoàn bị teo sẽ giảm khả năng sản xuất testosterone, ngăn chặn sự phát triển của lông tại các bộ phận trên cơ thể như cánh tay, chân hay vùng mu. 

2.3. Tinh trùng loãng 

Trong tinh hoàn gồm các mạch máu và ống sinh tinh. Khi nam giới bị teo tinh hoàn, ống sinh tinh không đủ khả năng tạo ra đủ tinh trùng trong mỗi lần phóng ra, dẫn đến tình trạng tinh trùng loãng

2.4. Giảm ham muốn 

Nồng độ testosterone do tinh hoàn sản xuất suy giảm khiến nam giới rơi vào thời kì “mãn kinh”, cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi, nóng giận vô cớ và ngần ngại trong sinh hoạt phòng the. 

Xem thêm: 3 lời khuyên dành cho nam giới để mong muốn ‘gần gũi’ người ấy quay trở lại

3. Nguyên nhân gây teo tinh hoàn 

Teo tinh hoàn xảy ra do rất nhiều nguyên nhân. Dưới đây là các yếu tố phổ biến gây nên tình trạng teo nhỏ của tinh hoàn.

3.1. Quai bị

Theo nhiều thống kê, sau khi mắc quai bị, 50% nam giới có nguy cơ bị teo tinh hoàn. Virus quai bị có thể xâm nhập vào các tuyến tinh hoàn, gây viêm nhu mô, tách vỡ các ống sinh tinh, làm teo tinh hoàn do sự gia tăng áp lực nội mạc. 

3.2. Giãn tĩnh mạch thừng tinh

Thừng tinh chính là bộ phận quan trọng chứa ống dẫn tinh và các mạch bạch huyết trong tinh hoàn. Khi có sự tắc nghẽn, làm các tĩnh mạch giãn nở, thừng tinh trở nên to hơn, lúc này quá trình lưu thông máu trong tinh hoàn bị ảnh hưởng, thấy tức nặng ở bìu tinh hoàn, tinh hoàn bị teo nhỏ. 

3.3. Xoắn tinh hoàn

Xoắn tinh hoàn xảy ra khi tinh hoàn tự xoay và xoắn chặt, làm tắc nghẽn đột ngột thừng tinh, gây sưng đau và ứ đọng máu đến tinh hoàn, thậm chí làm teo tinh hoàn vĩnh viễn. 

Xem thêm: Thời điểm ‘vàng’ để chữa xoắn tinh hoàn là sau 4 – 6 tiếng tinh hoàn bị xoắn

3.4. Tuổi tác

Sau 40 tuổi, độ đàn hồi của thành mạch tinh hoàn giảm, tỉ lệ bị xơ cứng cao, mạch máu hẹp lại khiến hoạt động tuần hoàn máu ở tinh hoàn kém hiệu quả, dẫn đến teo tinh hoàn.

nhan-biet-va-cai-thien-tinh-trang-teo-tinh-hoa-voh-1
Tuổi tác có thể ảnh hưởng đến hoạt động của tinh hoàn (Nguồn: Internet) 

4. Chẩn đoán teo tinh hoàn

Để xác định chính xác tình trạng teo tinh hoàn, bạn cần tới thăm khám tại các cơ sở y tế và tiến hành các xét nghiệm y khoa.

  • Xét nghiệm tinh dịch đồ: Đây là xét nghiệm quan trọng nhằm kiểm tra sức khỏe khỏe của tinh trùng, nhằm đánh giá khả năng sinh tinh của tinh hoàn. 
  • Siêu âm Doppler: Siêu âm này sử dụng hiệu ứng Doppler để tạo ra hình ảnh chuyển động của các mô và dịch cơ thể, khảo sát hoạt động tuần hoàn máu ở tinh hoàn. 
  • Các xét nghiệm khác: Một số xét nghiệm cơ bản như xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu để xác định tình trạng nhiễm khuẩn niệu hoặc các bệnh lây qua đường sinh dục. 

5. Điều trị teo tinh hoàn

Các trường hợp teo tinh hoàn đều không có khả năng đưa kích thước tinh hoàn trở về bình thường. Quá trình điều trị chỉ nhằm ngăn chặn diễn tiến nặng hơn, hỗ trợ thay thế chức năng nội tiết của tinh hoàn, giảm nguy cơ vô sinh. 

  • Điều trị nội khoa: Các bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng testosterone cần bổ sung tùy theo tình trạng của mỗi bệnh nhân, cải thiện quá trình sinh tinh cũng như chức năng sinh dục của nam giới. 
  • Điều trị ngoại khoa: Các phẫu thuật tháo xoắn tinh hoàn hay mở cột tĩnh mạch có thể được áp dụng nhằm tăng sự lưu thông máu trong tinh hoàn. 

6. Phương pháp phòng ngừa teo tinh hoàn

Teo tinh hoàn sẽ không thể chữa khỏi hoàn toàn, chính vì vậy nam giới nên biết cách chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa bệnh thật tốt:

  • Luyện tập thể dục thể thao, tăng cường sức đề kháng để phòng chống các bệnh viêm nhiễm nam khoa.
  • Vận động an toàn, tránh gây tổn thưởng vùng kín.
  • Không di chuyển nhiều khi đang điều trị quai bị. 
  • Sinh hoạt tình dục hợp lý, tránh tình trạng xuất tinh quá thường xuyên. 
  • Hạn chế tối đa sử dụng rượu, bia, thuốc lá.
  • Bổ sung các thực phẩm giàu chất kẽm, chất sắt và axit amin có lợi cho cơ quan sinh sản như hàu, cá, trứng, kỷ tử, chuối, măng tây. 

Teo tinh hoàn là một trong những bệnh nam khoa nguy hiểm nhất ở nam giới, ảnh hưởng tới khả năng thụ thai và khiến không ít cặp vợ chồng rơi vào tình trạng tuyệt vọng. Do đó, nếu phát hiện những bất thường ở khu vực tinh hoàn, phái mạnh hãy tới cơ sở y tế để thăm khám sớm và điều trị đúng hướng. 

🔴 Theo dõi chương trình Bí mật nam giới để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề nam khoa vào lúc 22h00 - 23h00 thứ 3 hàng tuần trên kênh FM 95.6 MHz và FM 90 MHz Hà Nội.

Radio VOH: radio.voh.com.vn/bi-mat-nam-gioi-797.html

Youtube: youtube.com/c/BiMatNamGioiVOH

Fanpage Facebook: fb.com/BiMatNamGioi.VOH

Group thảo luận kín: fb.com/groups/BiMatNamGioi

Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩ: bit.ly/bmngvoh