Tiêu điểm: BỆNH MẤT NGỦ
Chờ...

Testosterone có vai trò gì với sức khỏe nam giới?

(VOH) – Cùng với Estrogen, Progesterone thì Testosterone cũng là 1 hormone quan trọng đối với sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe nam giới. Vậy testosterone là gì, có vai trò như thế nào đối với phái mạnh?

1. Testosterone là gì?

Testosterone là một loại hormone được tìm thấy ở người, cũng như các loài động vật khác. Các nhà khoa học sau khi tìm ra hormone testosterone đã vô cùng bất vờ về vai trò của nội tiết tố này đối với sức khỏe phái mạnh.

testosterone-co-vai-tro-gi-voi-suc-khoe-nam-gioi-voh-0
Testosterone có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe nam giới (Nguồn: Internet)

Testosterone chịu trách nhiệm trong sự phát triển các đặc điểm cơ thể nam giới, bao gồm cả sự hình thành dương vật và bìu. Ở nữ giới cũng có sản xuất testosterone nhưng với một lượng rất nhỏ.

Ngoài ra, testosterone cũng giúp hoàn thiện sức khỏe nền tảng của phái mạnh, bao gồm các cơ quan hệ tuần hoàn, tiết niệu, xương khớp, hô hấp, thần kinh và não bộ.

2. Testosterone sinh ra từ đâu?

Testosterone ở nam giới được sản xuất chủ yếu ở tinh hoàn và một phần nhỏ ở tuyến thượng thận. Thời điểm sớm nhất để sản xuất testosterone là vào khoảng tuần thứ 7 của thai kỳ. Trong thời gian này, tinh hoàn được kích thích bởi gonadotropin màng đệm nhau thai để sinh ra một lượng vừa đủ testosterone. Quá trình sản xuất này kéo dài đến khoảng 10 tuần hoặc nhiều hơn sau khi sinh.

Sau đó, testosterone gần như không được sản xuất trong thời thơ ấu cho đến khi trẻ được 10 – 13 tuổi. Khi các bé trai bước vào tuổi dậy thì, dưới sự kích thích của hormone gonadotropin tiết ra ở thùy trước tuyến yên làm gia tăng nhanh sự sản xuất testosterone và kéo dài trong suốt phần thời gian còn lại.

Lượng testosterone ở nam giới trưởng thành được phóng thích khoảng 4 – 10mg/ngày và bắt đầu từ 30 tuổi trở về sau, việc sản xuất testosterone bắt đầu có xu hướng giảm nhẹ mỗi năm.

Ở nữ giới, nội tiết tố testosterone được sản xuất ở tuyến thượng thận và buồng trứng. Thời điểm hormone này bắt đầu được sản xuất sớm nhất là khoảng vào tuần thứ 7 sau khi thụ thai.

3. Testosterone có vai trò như thế nào?

Đối với nam giới, testosterone thường liên quan đến đời sống tình dục và đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất tinh trùng. Hormone này cũng ảnh hưởng đến khối lượng xương và cơ bắp, khả năng lưu trữ chất béo cũng như việc sản xuất hồng cầu. Thậm chí, mức độ testosterone cũng có thể làm ảnh hưởng đến tâm trạng của phái mạnh.

3.1 Hệ thống nội tiết

Hệ thống nội tiết bao gồm các tuyến sản xuất hormone. Vùng dưới đồi trong não có nhiệm vụ báo hiệu tuyến yên biết cơ thể cần bao nhiêu testosterone. Sau đó, tuyến yên gửi tín hiệu đến tinh hoàn để sản xuất testosterone. Hầu hết testosterone được sản xuất tại tinh hoàn, một lượng nhỏ đến từ tuyến thượng thận.

testosterone-co-vai-tro-gi-voi-suc-khoe-nam-gioi-voh-1
Testosterone bắt đầu hoạt động vào khoảng tuần thứ 7 của thai kỳ (Nguồn: Internet)

Testosterone bắt đầu hoạt động khi bạn còn là một bào thai. Chúng đóng vai trò trong sự hình thành bộ phận sinh dục nam. Ở tuổi dậy thì, testosterone chịu trách nhiệm hình thành các thuộc tính nam như:

  • Tạo giọng nói trầm hơn
  • Kích thích mọc râu và lông trên cơ thể
  • Phát triển cơ bắp
  • Hình thành cảm giác ham muốn tình dục

3.2 Hệ thống sinh sản

Bộ phận sinh dục nam hình thành ở tuần thai thứ 7 dưới sự tác động của testosterone. Sau đó, đến tuổi dậy thì tinh hoàn và dương vật phát triển mạnh mẽ, tạo ra một lượng testosterone ổn định và cung cấp tinh trùng mỗi ngày.

Nếu mức testosterone thấp sẽ làm tăng nguy cơ rối loạn cương dương, từ đó gây cản trở đến sức khỏe sinh sản của nam giới.

3.3 Khả năng tinh dục

Ở tuổi dậy thì, testosterone là hormone quan trọng trong việc hình thành ham muốn “yêu” của phái mạnh. Nếu lượng testosterone giảm, nam giới có thể bị giảm ham muốn, thậm chí không còn hứng thú trong chuyện “chăn gối vợ chồng”.

Lưu ý: Testosterone có thể bị giảm nếu trong một thời gian dài phái mạnh không có hoạt động tình dục.

Xem thêm: 3 lời khuyên dành cho nam giới để mong muốn ‘gần gũi’ người ấy quay trở lại

3.4 Hệ thần kinh trung ương

Vùng dưới đồi là cơ quan kiểm soát testosterone, giúp gửi tính hiệu thông qua các hormone và chất hóa học đặc biệt trong máu. Vì thế, mức testosterone cao – thấp có thể làm ảnh hưởng đến một số hành vi nhất định, chẳng hạn như sự hung hăng hay khả năng lãnh đạo...

Lượng testosterone thấp có thể làm mất tự tin, rối loạn giấc ngủ, thiếu năng lượng và giảm động lực, thậm chí gây mất tập trung và tạo ra cảm giác buồn bã. Tuy nhiên, đây chỉ là một yếu tố ảnh hưởng đến tính cách. Các yếu tố từ môi trường, sự giáo dục cũng có những tác động nhất định.

3.5 Cơ bắp, chất béo và xương

Testosterone là một yếu tố quan trọng để giúp phát triển các khối cơ và sức mạnh cơ bắp. Ngoài ra, nó cũng giúp tăng tương tác với các thụ thể trong gen, dẫn đến sự tổng hợp protein.

Bên cạnh đó, testosterone còn làm tăng mật độ xương và có vai trò trong việc sản xuất tế bào hồng cầu. Đồng thời, hormone này cũng đóng vai trò cần thiết trong chuyển hóa chất béo, giúp nam giới tiêu thụ chất béo hiệu quả hơn.

3.6 Da và tóc

Nam giới ở tuổi dậy thì, testosterone giúp thúc đẩy sự phát triển của tóc, lông ở nách và bộ phận sinh dục. Lông cũng sẽ xuất hiện ở cánh tay, chân và ngực.

testosterone-co-vai-tro-gi-voi-suc-khoe-nam-gioi-voh-2
Testosterone thúc đẩy sự phát triển của lông và tóc ở nam giới tuổi dậy thì (Nguồn: Internet)

Khi lượng testosterone thấp có thể khiến nam giới bị mất đi một phần lông trên cơ thể.

3.7 Hệ tuần hoàn

Testosterone được máu vận chuyển đi khắp cơ thể. Không những thế, một số nghiên cứu cho rằng, testosterone có thể có lợi cho tim. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu khác lại chỉ ra, testosterone có tác động xấu đến lượng cholesterol, chỉ số huyết áp và khả năng đông máu.

Xem thêm : 3 thời điểm cơ thể tự tổng hợp cholesterol xấu mà bạn không hay biết

4. Mức testosterone bình thường của nam giới là bao nhiêu?

Theo Hiệp hội Tiết niệu Hoa Kỳ (AUA), mức testosterone bình thường của nam giới trưởng thành là từ 300 – 1.1000 ng/dL (nanogram trên mỗi decilit). Nếu mức testosterone của nam giới trưởng thành dưới 300 ng/dL thì nam giới được xác định là có mức testosterone thấp.

Với phụ nữ trưởng thành, mức testosterone bình thường là từ 15 – 17 ng/dL.

Bạn có thể thực hiện xét nghiệm máu có thể xác định mức testosterone trong cơ thể.

4.1 Testosterone thấp gây ra điều gì?

Hàm lượng testosterone có vai trò quan trọng đối với sức khỏe nam giới, chính vì thế khi mức testosterone thấp (mức T thấp) có thể gây ra một loạt các triệu chứng như:

  • Giảm ham muốn tình dục
  • Khó khăn khi cương cứng
  • Giảm lượng tinh dịch
  • Tăng cân
  • Có cảm giác chán nản, ủ rủ
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Mất cơ
  • Giảm khối lượng xương

Những yếu tố khiến testosterone thấp

Quá trình sản xuất testosterone tự nhiên sẽ giảm dần khi nam giới càng lớn tuổi. Ngoài ra, các yếu tố khác có thể khiến lượng hormone giảm xuống, chẳng hạn như có tổn thương tinh hoàn hay các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị và xạ trị.

testosterone-co-vai-tro-gi-voi-suc-khoe-nam-gioi-voh-3
Nghiệm rượu, bia có thể làm giảm sản sinh testosterone (Nguồn: Internet)

Tình trạng sức khỏe mãn tính và căng thẳng cũng có thể làm giảm sản xuất testosterone như:

  • AIDS
  • Bệnh thận
  • Nghiện rượu, bia
  • Bệnh xơ gan

Mức testosterone thấp có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề của tuyến yên. Đây là tuyến có nhiệm vụ gửi hormone báo hiệu đến tinh hoàn để sản xuất thêm testosterone.

Kết quả xét nghiệm mức testosterone thấp ở nam giới trưởng thành có nghĩa là tuyến yên của bạn hoạt động không bình thường. Ở thanh thiếu niên thì đây là dấu hiệu cho thấy bạn có thể bị dậy thì muộn.

4.2 Testosterone cao gây ra điều gì?

Testosterone cao mang đến một số lợi ích đối với sức khỏe nam giới. Tuy nhiên, lượng testosterone quá cao lại có thể gây ra một vài hậu quả, có thể kể đến như:

  • Quá trình dậy thì diễn ra sớm hơn ở các bé trai
  • Phụ nữ có testosterone cao có thể làm phát triển các đặc điểm nam tính
  • Gây rối loạn tuyến thượng thận, thậm chí là ung thư tinh hoàn
  • Tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh

Xem thêm: Tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

5. Sử dụng liệu pháp thay thế testosterone có thực sự tốt?

Tình trạng giảm sản xuất testosterone được gọi là thiểu năng sinh dục, tuy nhiên, tình trạng không phải lúc nào cũng cần điều trị.

Vì thế, liệu pháp thay thế testosterone chỉ nên được áp dụng khi hàm lượng testosterone thấp ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bạn. Liệu pháp này có thể được sử dụng bằng đường uống, tiêm, gel hoặc miếng dán trên da.

Liệu pháp thay thế hormone có thể mang lại kết quả tốt, chẳng hạn như giúp đẩy lùi sự suy giảm chức năng sinh dục nam, tăng khối lượng cơ. Nhưng phương pháp điều trị cũng có mang lại một số tác dụng, bao gồm:

  • Da dầu
  • Giữ nước
  • Tinh hoàn co rút
  • Giảm sản xuất tinh trùng

Nhìn chung, testosterone thường liên quan đến sức khỏe tâm sinh lý nam giới. Mức độ testosterone cao hoặc thấp bất thường đều có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của phái mạnh. Mặc dù hiện nay liệu pháp thay thế hormone đã được áp dụng, tuy nhiên, đây không phải là cách duy nhất để giúp bạn bổ sung testosterone. Vì thế, nếu muốn áp dụng phương pháp này hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.

🔴 Theo dõi chương trình Bí mật nam giới để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề nam khoa vào lúc 22h00 - 23h00 thứ 3 hàng tuần trên kênh FM 95.6 MHz và FM 90 MHz Hà Nội.

Radio VOH: radio.voh.com.vn/bi-mat-nam-gioi-797.html

Youtube: youtube.com/c/BiMatNamGioiVOH

Fanpage Facebook: fb.com/BiMatNamGioi.VOH

Group thảo luận kín: fb.com/groups/BiMatNamGioi

Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩ: bit.ly/bmngvoh

Bình luận