1. Nguyên nhân viêm khớp
Cơ thể người có khoảng 360 khớp các loại. Khi một tổn thương xảy ra tại khớp được gọi là viêm xương khớp.
Nguyên nhân chủ yếu của viêm khớp thường tập trung vào các lý do: thoái hóa khớp, viêm khớp sau chấn thương; ngoài ra còn có nguyên nhân từ bệnh gút do quá trình tích tụ acid uric tạo thành các nốt sạn canxi chèn vào sụn.
2. Triệu chứng viêm khớp - không đơn thuần chỉ là đau
Đặc điểm của viêm khớp thường không có triệu chứng rõ rệt ngay cả khi tình trạng khớp bị tổn hại có thể nhìn thấy được qua chụp X quang, vì vậy gây mất cảnh giác ở người bệnh, dẫn đến tình trạng khi bệnh mạn tính mới nhận ra.
Có thể tự kiểm tra biểu hiện sơ bộ của một cơn viêm khớp bằng cách: khi khớp ít vận động thì ít đau, vận động nhiều thì đau nhiều; Một số trường hợp có thể biểu hiện thêm như sốt, giảm ăn, mệt mỏi, sụt cân do viêm khớp kéo dài.
Theo tư vấn của BS Võ Châu Duyên, Khoa Chấn thương chỉnh hình - BV Nguyễn Tri Phương - nếu phát hiện mình mắc một trong những triệu chứng dưới đây, đừng chần chừ mà hãy nhanh chóng gặp, hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp nhất, nhằm giúp làm chậm lại tiến trình phát triển của bệnh viêm khớp mãn tính.
1. Đau khớp khi vận động: Cảm giác các khớp bị đau khi vận động và hết đau khi nghỉ ngơi. Triệu chứng này thường là do bệnh viêm khớp đang âm thầm tiến triển, khi bị mắc chứng này bạn nên giới hạn vận động.
2. Cứng khớp vào buổi sáng: Luôn cảm thấy các khớp của bạn bị cứng, đặc biệt thường bị vào buổi sáng, kéo dài khoảng hơn 30 phút, và giảm nhẹ sau khi nghỉ ngơi. Đây là một triệu chứng thông thường của bệnh viêm khớp mãn tính.
3. Sưng khớp xương: Biểu hiện của triệu chứng này là khớp bị viêm sưng to hơn phía khớp đối diện. Tình trạng tổn hại này có thể đẩy nhanh quá trình phát triển của gai xương (osteophytes) gần các khớp, khiến khớp bị viêm sưng.
4. Khớp phát ra tiếng động: Khi vận động hay di chuyển bạn nghe tiếng động “lắc rắc”, "lục cục" phát ra từ các khớp xương. Do các khớp bị tổn thương, khi vận động, các đầu xương cọ sát với nhau. Nếu mắc phải triệu chứng này thì bạn đang ở giai đoạn đầu của bệnh viêm khớp.
5. Yếu cơ bắp xung quanh các khớp: Cơ bắp xung quanh các khớp tổn hại bị yếu dần đi và hay bị mỏi các cơ khi vận động .Việc ít vận động thường xuyên, lâu dài chính là nguyên nhân dẫn đến các cơ bắp ở quanh các khớp bị đau đó dần yếu đi.
3. Điều trị bệnh viêm khớp sao mới đúng ?
Mục tiêu của điều trị là giảm đau, cải thiện chức năng và ngăn ngừa tổn thương khớp gia tăng. Có nghĩa là rất khó để phục hồi trạng thái hoàn hảo của khớp như trước khi bị viêm mà chỉ can thiệp để bảo tồn hoạt động của khớp.
Để điều trị một bệnh nhân viêm khớp, bác sĩ thường kết hợp nhiều phương pháp:
- Tập thể dục có thể giúp làm giảm độ cứng khớp, giảm đau và mệt mỏi, cải thiện cơ bắp và tăng sức mạnh của xương.
- Xông hơi nóng hoặc lạnh; Nẹp hoặc sử dụng dụng cụ chỉnh hình để hỗ trợ khớp xương và giúp cải thiện vị trí của chúng, điều này thường cần thiết cho viêm khớp dạng thấp.
- Chế độ dinh dưỡng: Ăn uống lành mạnh với đầy đủ trái cây và rau quả có chứa các vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin E. Ăn thức ăn giàu axit béo omega-3, chẳng hạn như cá nước lạnh (cá hồi, cá thu, cá trích), hạt lanh, hạt cải dầu (canola), đậu nành, dầu đậu nành, hạt bí ngô, quả óc chó. Giảm cân có thể cải thiện mạnh mẽ sự đau khớp ở chân và bàn chân.
- Khuyến cáo điều chỉnh về lối sống như: Ngủ nhiều; Tránh giữ cơ thể ở một tư thế quá lâu. Tránh tư thế hay chuyển động làm cho các khớp thêm căng thẳng dẫn đến đau khớp; Cố gắng thực hiện nhiều hoạt động nhằm giảm căng thẳng chẳng hạn thiền, yoga...
- Thuốc điều trị viêm khớp có thể được chỉ định cùng với lời khuyên thay đổi lối sống. Cần lưu ý tằng tất cả các thuốc điều trị viêm khớp đều có rủi ro, một số thuốc có nhiều rủi ro hơn thuốc khác. Điều quan trọng là bạn cần có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ khi dùng thuốc viêm khớp.
Thận trọng khi giảm đau bằng thuốc Thuốc giảm đau chỉ có tác dụng giảm đau tạm thời, do đó nếu người bệnh tự ý ngưng thuốc khi chưa kết thúc quá trình điều trị có khả năng gây tái phát và cơn đau sẽ nhiều hơn trước. Một số loại thuốc giảm đau có thể gây nghiện, gây tác dụng phụ khó chịu cho cơ thể như suy thượng thận cấp do dùng corticoid, một số thuốc gây suy gan, thận, loãng xương, viêm loét dạ dầy... Một số loại thuốc có chức năng giảm đau mà người bệnh có thể mua dễ dàng như Paracetamol. Tuy nhiên, với liều dùng thông thường 3-4v/ ngày (khoảng 1.500-2.000mg) thì an toàn nhưng nếu dùng quá liều (4.000-6.000mg) sẽ gây ngộ độc gan. - BS Võ Châu Duyên, Khoa Chấn thương chỉnh hình - BV Nguyễn Tri Phương |