Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Viêm gan mạn: triệu chứng, nguyên nhân, biến chứng, cách điều trị và phòng ngừa

(VOH) - Viêm gan mạn có thể dẫn đến xơ gan, phình lá lách, tích tụ dịch trong ổ bụng và dẫn đến suy giảm chức năng não. Vậy có cách nào chữa viêm gan mạn hiệu quả không?

1. Bệnh viêm gan mạn tính là gì?

Viêm gan mạn tính hay viêm gan mãn tính là tình trạng viêm và hoại tử tế bào gan kéo dài trên 6 tháng. Ở thể nhẹ, bệnh không tiến triển hoặc tiến triển rất chậm và không đưa đến xơ hoặc ung thư gan. Ở thể nặng, bệnh gây viêm, hoại tử dồn dập hoặc nhiều đợt tiến triển tấn công vào tế bào gan rồi cuối cùng đưa đến xơ gan và ung thư gan.

viem-gan-man-trieu-chung-nguyen-nhan-bien-chung-cach-dieu-tri-va-phong-ngua-voh-1

Viêm gan mạn tính là tình trạng viêm và tổn thương tế bào gan kéo dài (Nguồn: Internet)

2. Các loại viêm gan mạn tính

Có nhiều cách để phân loại viêm gan mạn. Hiện nay, người ta phân loại viêm gan mạn dựa vào sự phối hợp của lâm sàng, huyết thanh lọc và thay đổi về mô học nên cho nhiều giá trị thông tin hơn. Theo đó, viêm gan mạn có các loại sau đây:

2.1 Theo nguyên nhân

Dựa theo nguyên nhân gây bệnh có viêm gan mạn tính do virus (chủ yếu là virus viêm gan B, C phối hợp với D), viêm gan tự miễn, viêm gan do thuốc và viêm gan không rõ nguyên nhân.

2.2 Theo mức độ bệnh

Theo mức độ bệnh có viêm gan mạn nhẹ, viêm gan mạn vừa và viêm gan mạn nặng.

2.3 Theo giai đoạn bệnh

Theo giai đoạn bệnh có viêm gan mạn không có xơ, viêm gan mạn có xơ nhẹ, viêm gan mạn có xơ vừa, viêm gan mạn có xơ nặng và xơ cầu nối, viêm gan mạn có xơ gan thật sự.

2.4 Theo mô học

Theo mô học có viêm gan mạn tồn tại, viêm gan mạn tiểu thùy, viêm gan mạn hoạt động.

3. Nguyên nhân viêm gan mãn tính

Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm gan mạn tính bao gồm:

3.1 Do virus viêm gan

Viêm gan mạn tính thường được gây ra bởi một trong những virus viêm gan. Virus viêm gan C chiếm khoảng 60 – 70% các trường hợp và ít nhất 75% các trường hợp viêm gan C trở thành mạn tính. 

Có khoảng 5 – 10% các trường hợp nhiễm virus viêm gan B, đôi khi có nhiễm phối hợp với virus viêm gan D trở thành mạn tính.

Virus viêm gan E cũng có thể gây bệnh viêm gan mạn tính nhưng hiếm gặp, chủ yếu gặp ở những người có hệ miễn dịch yếu. 

Virus viêm gan A không gây viêm gan mạn tính.

3.2 Do một số loại thuốc

Dùng một số loại thuốc trong thời gian dài có thể dẫn đến viêm gan mạn tính. Những loại thuốc bao gồm  isoniazid, methyldopa và nitrofurantoin.

3.3 Các nguyên nhân khác

Viêm gan mạn tính có thể do một số nguyên nhân khác như:

  • Do rượu;
  • Gan nhiễm mỡ không liên quan đến rượu;
  • Do bệnh loét dạ dày, rối loạn tuyến giáp hoặc bệnh Wilson - một rối loạn hiếm gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên liên quan đến lượng đồng bất thường trong gan. 

Ngoài ra, ở một số bệnh nhân viêm gan mạn tính, bác sĩ không thể xác định được nguyên nhân gây bệnh. Ở một số người, tình trạng viêm gan mạn tính do cơ thể tấn công các mô, gọi là viêm gan tự miễn

4. Bệnh viêm gan mãn tính có lây không?

Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà xác định bệnh viêm gan mãn tính có lây hay không. 

Nếu bị viêm gan do virus thì khả năng lây nhiễm cao. Các con đường lây nhiễm viêm gan thường là đường máu, từ mẹ sang con, ăn thức ăn bị nhiễm virus, uống nước bị nhiễm bệnh, sử dụng chung đồ dùng cá nhân,…

Nếu viêm gan mạn tính do các nguyên nhân khác như do rượu bia, do thuốc, gan nhiễm mỡ, viêm gan tự miễn,…thì sẽ không có khả năng lây nhiễm.

5. Triệu chứng viêm gan mạn tính

5.1 Giai đoạn đầu

Giai đoạn đầu, viêm gan mạn tính thường có triệu chứng rầm rộ như viêm gan cấp (khoảng 1/3 trường hợp), các trường hợp còn lại thường âm thầm nên khiến phần lớn bệnh nhân không nhận biết được, thường chỉ biểu hiện triệu chứng cơ năng chung là mệt mỏi, cảm giác nặng tức vùng hạ sườn phải, nhiều lúc có đau cơ, đau khớp hoặc nhiều lúc chỉ có cảm giác nhức mỏi chung chung.

5.2 Giai đoạn tiến triển

Viêm gan mạn có triệu chứng phong phú và rầm rộ hơn như sốt, vàng da, vàng mắt, nước tiểu vàng hoặc sẫm màu, đau cơ, đau khớp, nhất là đau tức vùng gan và ngứa.

Khi khám sẽ thấy gan to vừa, căng chắc, ấn thấy đau tức, vàng da, vàng mắt, có thể có lách to, cổ trướng,…

viem-gan-man-trieu-chung-nguyen-nhan-bien-chung-cach-dieu-tri-va-phong-ngua-voh-2

Khi có dấu hiệu viêm gan mạn tính thì nên đi khám và xét nghiệm (Nguồn: Internet)

5.3 Giai đoạn sau

Sau khi có biến chứng xơ gan, các biểu hiện viêm thường giảm dần, thay vào đó là các triệu chứng của xơ gan với cổ trướng và suy gan là nổi bật. Hoặc người bệnh có triệu chứng của ung thư gan như gan rất lớn, cứng, có nhiều khối u lổn nhổn,…

Nếu gặp phải bất kỳ triệu chứng trên thì bạn nên đi khám, thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán xem có mắc bệnh viêm gan mãn tính hay không.

6. Bệnh viêm gan mãn tính có nguy hiểm không?

Viêm gan mạn tính là bệnh thường gặp và nguy hiểm. Nếu người bệnh không tiến hành điều trị sớm thì các tổn thương tế bào gan sẽ dần xuất hiện. Cụ thể các tổn thương thường là thâm nhiễm tế bào viêm, hoại tử và xơ hóa.

6.1 Thâm nhiễm tế bào viêm

Xuất hiện ở khoảng cửa, làm cho khoảng cửa bị giãn rộng, viêm còn xảy ra ở quanh các tiểu thùy gan với các tế bào gan bị hoại tử.

6.2 Hoại tử tế bào gan

Hoại tử tế bào gan thường nặng và lan rộng, đặc biệt là hoại tử từng đám nhỏ vài ba tế bào ở chỗ tiếp cận với khoảng cửa, hoại tử này gọi là hoại tử kiểu mối gặm. Một loại hoại tử khác cũng thường gặp là hoại tử kiểu cầu nối, nối liền khoảng cửa và tĩnh mạch trung tâm tiểu thùy.

6.3 Xơ và ung thư hóa

Xơ và nốt tân tạo thay đổi ít nhiều tùy theo giai đoạn diễn tiến của bệnh. Ở giai đoạn sau, xơ chiếm ưu thế và làm cho cấu trúc gan hoàn toàn bị đảo lộn, đồng thời có sự xuất hiện của nốt tân tạo, biểu hiện viêm giảm dần. Cuối cùng có thể bị ung thư hóa.

7. Chẩn đoán bệnh viêm gan mạn tính

Để chẩn đoán viêm gan mạn tính cần thực hiện một số xét nghiệm sau đây:

  • Xét nghiệm máu.
  • Xét nghiệm chức năng gan.
  • Xét nghiệm miễn dịch.
  • Sinh thiết gan.
  • Siêu âm chẩn đoán hình ảnh.

8. Cách điều trị viêm gan mạn tính

Tùy theo nguyên nhân, mức độ và giai đoạn viêm gan mạn mà có các phương pháp và thuốc điều trị viêm gan mạn tính phù hợp. 

8.1 Thuốc điều trị viêm gan mạn

Các loại thuốc điều trị nguyên nhân như thuốc ức chế virus, thuốc ức chế miễn dịch, corticoid. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thêm các thuốc điều trị triệu chứng, các thuốc tăng cường thể trạng và tăng cường sức đề kháng của cơ thể. 

8.2 Điều trị ngoại khoa

Bác sĩ có thể xem xét điều trị ngoại khoa (ghép gan) nếu điều kiện cho phép.

9. Cách phòng ngừa viêm gan mãn tính

Một số cách dưới đây có thể giúp bạn phòng ngừa bệnh viêm gan mạn tính:

9.1 Hạn chế sử dụng rượu bia

Rượu, bia có thể làm tổn hại đến các tế bào gan.

9.2 Tránh các loại thuốc có thể gây tổn thương cho gan

Không nên lạm dụng thuốc để tránh tổn hại đến gan. Khi dùng các loại thuốc cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Nếu đang mắc bệnh nào đó cần dùng thuốc điều trị thì có thể tìm hiểu chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp để giảm liều lượng thuốc dùng mà vẫn điều trị bệnh hiệu quả.

9.3 Tiêm phòng vắc xin viêm gan các loại

Như đã nói, viêm gan mạn tính có thể do các loại virus viêm gan gây ra. Vì vậy, việc tiêm phòng vắc xin là cách tốt nhất để phòng tránh bệnh viêm gan nói chung và viêm gan mạn tính nói riêng.

Bình luận