Bản đồ Trung Hoa không có Hoàng Sa - Trường Sa

(VOH) - 4 cuốn bản đồ do nhà Thanh và Chính phủ Trung Hoa Dân quốc xuất bản gồm: Trung Quốc địa đồ (xuất bản năm 1908), Trung Quốc toàn đồ (xuất bản năm 1917), Trung Hoa bưu chính dư đồ (xuất bản năm 1919) và Trung Hoa bưu chính dư đồ (xuất bản năm 1933) đều cho thấy lãnh thổ Trung Quốc không hề có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Bản đồ Trung Hoa không có Hoàng Sa - Trường Sa 1

Bản đồ Map of the coastline of Quinam, Tonquin, Cochin-China and Aynam (1695).

Chủ quyền của Việt Nam với Biển Đông và các đảo, quần đảo thuộc Biển Đông vốn được ghi nhận khá cụ thể và chi tiết. Đã có hơn 150 bản đồ do các nước phương Tây công bố từ thế kỷ XVII đến nay chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong đó có tấm bản đồ Map of the coastline of Quinam, Tonquin, Cochin-China and Aynam do một nhà địa lý người Hà Lan vẽ năm 1695, từng lưu trữ tại Cơ quan lưu trữ quốc gia Hà Lan tại TP Den Haag (Hà Lan). Tấm bản đồ này đã được Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tặng Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Hà Lan từ 27/9 - 1/10/2011.

Ngoài ra, còn có bộ Atlas Universel gồm 6 tập do nhà địa lý học Philippe Vandermaelan - nhà Địa lý học kiệt xuất, thành viên Hội Địa lý Paris - biên soạn, được xuất bản ở Bỉ năm 1827. Trong đó có bản đồ Partie de la Cochinchine ở tập 2 (Châu Á) khẳng định Paracels (quần đảo Hoàng Sa) là thuộc Việt Nam.

Đây là tài liệu lịch sử và là chứng cứ pháp lý rất quan trọng.

Bản đồ Trung Hoa không có Hoàng Sa - Trường Sa 2

Bản đồ Asia noviter delineata do Willem Janszoom Blaeu vẽ năm 1630 phân biệt khá rõ các quần đảo nằm ở ngoài khơi miền Trung Việt Nam, trong đó có Hoàng Sa, Trường Sa và các đảo, quần đảo bắt đầu đặt tên chứ không gọi tên chung là Pracel nữa.

Bản đồ Trung Hoa không có Hoàng Sa - Trường Sa 3

Tấm thứ 98 Partie de la Chine (Một phần của Trung Quốc), xác nhận ranh giới cực nam của Trung Quốc cũng đồng thời là ranh giới cực nam của đảo Hải Nam nằm ở phía trên vĩ tuyến 18

Không chỉ qua bản đồ và tài liệu được phát hành từ những nhà địa lý, những nhà thám hiểm phương Tây, chính Trung Quốc - quốc gia đang cố gắng chứng minh cái gọi là "Biển Đông của người Trung Quốc" - cũng ghi nhận trong các bản đồ quốc gia của họ không hề có Hoàng Sa, Trường Sa.

Đó là những atlas do nhà nước Trung Quốc phát hành chính thức gồm: Trung Quốc địa đồ (xuất bản năm 1908), Trung Quốc toàn đồ (xuất bản năm 1917), Trung Hoa bưu chính dư đồ (xuất bản năm 1919) và Trung Hoa bưu chính dư đồ (xuất bản năm 1933). Các atlas này là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ bưu chính do nhà Thanh vạch ra vào năm 1906 và được chính phủ Trung Hoa dân quốc kế tục vào các năm sau đó.

Bản đồ Trung Hoa không có Hoàng Sa - Trường Sa 4

Bản đồ Trung Quốc in trong tập Atlas "Trung Hoa Bưu Chính Dư Đồ" do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa Dân Quốc tái bản tại Nam Kinh năm 1933.

Các bản đồ này được lập chi tiết ở từng tỉnh, thể hiện rõ các con đường vận chuyển thư từ, công văn trong các tỉnh, thành của Trung Quốc. Nơi nào không thuộc lãnh thổ Trung Quốc thì không được thể hiện trên các bản đồ trong atlas.

Cương giới cực nam của Trung Quốc trong các atlas này luôn chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, mà không hề đề cập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Điều này chứng tỏ cho đến khi nhà Thanh phát hành atlas vào năm 1908 và được chính quyền Trung Hoa Dân quốc kế tục xuất bản các atlas này vào các năm 1917, 1919 và 1933 thì hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, hoàn toàn nằm ngoài cái gọi là “chủ quyền lịch sử của Trung Quốc” như họ vẫn tuyên bố hiện nay.

Bản đồ Trung Hoa không có Hoàng Sa - Trường Sa 5

"Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" ghi rõ cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam, không hề bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa.

Lùi xa hơn nữa, ở bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (Địa dư toàn đồ tới các tỉnh của TQ được thực hiện dưới thời nhà Thanh) xuất bản năm 1904 ghi rõ cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam, không hề bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa. Bản đồ này được vẽ dưới thời nhà Thanh bằng kỹ thuật sử dụng hệ tọa độ kinh tuyến, vĩ tuyến của châu Âu.

Điểm đặc biệt của "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" là những địa danh Trung Quốc được ghi bằng chữ Hán, nhưng có xen vào những chỗ quan trọng được ghi bằng chữ Pháp. Chẳng hạn, giới hạn cực nam của biển Trung Quốc trên bản đồ này có ghi dòng chữ “Mer de Chine” (biển Trung Quốc) từ đảo Hải Nam trở lên phía trên. Đây cũng chính là giới hạn cuối cùng của biển Trung Quốc về phía nam.

Trong khi đó, ngay từ năm 1834 trong "Đại Nam nhất thống toàn đồ" (bản đồ nước Việt Nam) dưới triều vua Minh Mạng (nhà Nguyễn) đã ghi nhận chi tiết hai quần đảo “Hoàng Sa” và “Vạn Lý Trường Sa” (Trường Sa) thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Bản đồ Trung Hoa không có Hoàng Sa - Trường Sa 6

Như vậy, Việt Nam không chỉ có đầy đủ các bằng chứng lịch sử, văn hóa về chủ quyền với 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa trên biển Đông mà qua các tư liệu chính thống, được phát hành, lưu hành chính thức của phương Tây, của Trung Quốc cũng ghi nhận sự thật tất yếu này.