Cuộc hội ngộ của những chiến sĩ tuyến đầu: “Trường Sa, chúng tôi luôn bên các anh!"

(VOH) - Trong chuyến thăm huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 của Đoàn đại biểu TPHCM năm 2022 (đoàn công tác số 9) có những đại biểu rất đặc biệt.

Họ là những y bác sĩ đã cùng TPHCM vượt qua đại dịch Covid-19. Chính vì thế chuyến đi này là cuộc hội ngộ vô cùng đặc biệt của những chiến sĩ tuyến đầu ở hai mặt trận khác nhau, nhưng đã cùng hi sinh, vượt qua bao khó khăn để mang lại cuộc sống bình yên cho đồng bào.

Chứng kiến cuộc sống kiên cường của những chiến sĩ nơi hải đảo, các bác sĩ của TPHCM đã có những chia sẻ rất xúc động và từ đó mong muốn làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ quân và dân Trường Sa.

trường sa
Các bác sĩ, nhân viên y tế TPHCM giao lưu cùng nhân dân Đảo Song Tử Tây

Đó là một đêm trăng sáng đáng nhớ giữa tháng 5/2022 khi tàu KN 290 chở Đoàn công tác số 9 TPHCM vừa đến thăm những hòn đảo đã đi vào trang sử vàng của dân tộc như Sinh Tồn, Song Tử Tây, Đá Nam và Cô Lin, một nơi rất gần với Gạc Ma thân yêu.

Trên nhịp sóng trập trùng của biển Đông, giữa nơi linh thiêng mà bao chiến sĩ hải quân đã ngã xuống để gìn giữ từng tấc biển quê hương, tiếng hát của những y bác sĩ tuyến đầu của TPHCM, những người vừa bước ra khỏi trận chiến cam go với dịch bệnh Covid-19 vang lên với bao tình cảm xúc động.

Trước đó, vào những ngày cuối tháng 4, khi được thông báo sẽ được tham gia chuyến đi thăm Trường Sa và nhà giàn DK1, TS. BS. Lê Thanh Chiến – Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương vô cùng háo hức. Đã từ lâu ông mong muốn được đặt chân đến vùng hải đảo biên cương, nơi đã chứng kiến bao sự hi sinh anh dũng của các chiến sĩ hải quân nơi tuyến đầu để gìn giữ từng tấc biển của dân tộc.

"Lực lượng y tế trong giai đoạn dịch vừa qua cũng được nhắc đến nhiều với từ “tuyến đầu”. Mặc dù tuyến đầu của ngành y tế trong giai đoạn vừa qua cũng gặp rất nhiều vất vả, gian nan và không kém phần nguy hiểm nhưng so với các chiến sĩ trên đảo Trường Sa thì vẫn chưa là gì. Đến nay dịch cơ bản đã ổn định, từ “tuyến đầu” với ngành y tế đã trở thành ký ức khi Covid-19 đã trở thành bệnh đặc hữu. Còn với các chiến sĩ nơi biển đảo quê hương, thì họ mãi mãi là tuyến đầu. 

Những ngày lênh đênh trên biển, mình rất hồi hộp và mong chờ được đặt chân lên đảo. Điều mong chờ đó dần hiện ra khi đặt chân lên đảo Song Tử Tây. Lên đảo được tham gia chào cờ, nghe những câu chuyện của các chiến sĩ và người dân, mình thấy dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng họ luôn vui vẻ, thân thiện và dễ thương.

Một kỷ niệm nhiều cảm xúc với mình nữa đó là khi được tham gia lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong trận chiến ở Gạc Ma, mình xúc động và không cầm được nước mắt".

Vừa là một bác sĩ, nhưng đồng thời cũng là chiến sĩ, Thiếu tá Lê Thùy Dương, bác sĩ quân y Bệnh viện 175 chia sẻ sự xúc động khi chứng kiến sự kiên cường của các chiến sĩ ở nơi đảo xa.

"Khi biết tin sẽ được đi thăm các chiến sĩ ở Trường Sa mình rất háo hức, bởi vì mình cũng là một người lính trên bộ. Mình đã trải qua những rèn luyện rất khó khăn trong lục quân và giai đoạn dịch bệnh vừa qua cũng rất khắc nghiệt. Thế nhưng, khi đặt chân đến đảo thì thật sự mới thấy những gì mình đã trải qua cũng chỉ là một phần trong rất nhiều khó khăn phức tạp hơn nhiều của cuộc sống.

Các em dù tuổi còn rất trẻ, từ mọi miền của đất nước, đã đem hết sức trẻ của mình để bảo vệ biển. Các em ấy là những người hùng trong lòng mình. Với tinh thần của tuổi trẻ, tình yêu Tổ quốc, phát huy truyền thống anh bộ đội cụ Hồ của các chiến sĩ, mình tin vùng biển vùng trời của đất nước sẽ được bảo vệ.

Mình mong rằng sau này có dịp trở lại, các chiến sĩ sẽ có cuộc sống ổn định hơn, đầy đủ hơn. Mình sẽ kể cho các đồng nghiệp, các con của mình về chuyến đi này để mọi người cùng đồng lòng làm tốt phần việc ở đất liền, trở thành những công dân tốt để tham gia góp sức bảo vệ Tổ quốc".

Cũng đầy xúc động khi được tham dự lễ tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma, TS. BS. Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố xúc động viết những dòng cảm nhận: “Là một bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, đặc thù nghề nghiệp của chúng tôi là vào sinh ra tử. Và thực tế đã có những người đã ngã xuống trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Tuy vậy sự hi sinh này ít ra cũng đã được tiên đoán, phòng ngừa để hạn chế rủi ro thấp nhất.

Khi nghe tường thuật lại sự hi sinh của 64 chiến sĩ trong trận chiến ở Gạc Ma, tôi thật sự thấy đau nhói trong trái tim, vì đó là những cái chết bất ngờ. Chứng kiến lễ tưởng niệm sự anh dũng hi sinh của các chiến sĩ, chúng tôi càng thấm thía hơn công cuộc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ không chỉ là nhiệm vụ của các chiến sĩ, mà còn là sự mệnh của mỗi con người mang tên “con Rồng cháu Lạc”.

Chúng tôi thật sự ngưỡng mộ sức sống vươn lên từ những con người Việt Nam nơi hải đảo xa xôi. Họ kiên cường chiến đấu vượt qua mọi khắc nghiệt của thiên nhiên, biển cả bằng tinh thần yêu nước nồng nàn, bằng lạc quan và dấn thân của tuổi trẻ với khát khao bảo vệ lãnh thổ và toàn vẹn non sông".

Còn với PGS. TS. BS. Lê Minh Khôi - Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM khi được tin sẽ được đến Trường Sa, ông đã vui mừng đến mất ngủ. Dù đã đọc nhiều, nghe nhiều những câu chuyện về vùng hải đảo xa xôi, nhưng khi tận mắt chứng kiến Trường Sa hôm nay, ông vẫn không khỏi ngỡ ngàng.

"Rất xúc động khi trong điều kiện vô cùng khó khăn của đất nước, chúng ta vẫn có thể xây dựng Trường Sa được như hôm nay. Nhân dân rất vui và tin tưởng vào chính sách của Nhà nước. Các chiến sĩ rất vui vẻ, không có một chút bi quan, dù ai cũng nhớ nhà. Trải nghiệm lớn nhất trong chuyến đi của mình là lòng yêu nước. Ra đây rất cảm động khi nhớ đến tiền nhân xưa kia đã vượt biển, tìm đến đây với lá cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền dân tộc. 

Bản thân mình cũng suy nghĩ nhiều để có thể kết nối được nơi đây và đất liền. Mình thấy ở trạm xá còn thiếu máy móc, mình đã gọi về đất liền để hỏi giá và dù kế hoạch cũng chưa cụ thể thì chắc chắn mình sẽ làm được một điều gì đó cho nơi đây. Nếu sau này có dịp mình muốn góp sức cùng Bệnh viện 175 để thực hiện chương trình telehealth hay mình cũng sẽ khởi lên các phong trào y tế để hỗ trợ cho Trường Sa". 

trường sa
TS. BS CKII Phan Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM trong chuyến thăm Trường Sa

Lần thứ 2 trở lại Trường Sa, TS. BS CKII Phan Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM vẫn vẹn nguyên cảm xúc tự hào đứng giữa vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Mỗi lần đến một điểm đảo, chứng kiến sự kiên cường của các chiến sĩ, thế hệ trẻ Việt Nam lại càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình hơn nữa, phải phấn đấu nhiều hơn nữa để góp sức bằng chuyên môn của mình với mảnh đất thiêng liêng hình chữ S. Chính sự tự hào đó đã giúp những chiến sĩ áo blouse trắng giữ vững niềm tin, cùng nhân dân vượt qua cơn đại dịch Covid-19.

“Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, người dân thành phố đã nhận được sự quan tâm ưu ái của đồng bào cả nước, trong đó có cả những chiến sĩ ở đảo xa. Tất cả đã gửi những lời động viên, những thông điệp yêu thương đến thành phố, đó là sức mạnh để giúp người dân thành phố, trong đó có những y bác sĩ trẻ chúng tôi vượt qua những ngày tháng khó khăn đó. Cho phép chúng tôi, những người bác sĩ trẻ của thế hệ 8x được gửi lời cảm ơn đến người dân cả nước, trong đó có những chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ biển đảo. Những nỗ lực của các anh đã cho thấy khó khăn nào, gian nan thử thách nào chúng ta cũng có thể vượt qua được. Đó là tâm huyết, ý chí khát khao và là tâm huyết, nguyện vọng và sức trẻ để không lùi bước trước khó khăn. 

Màu áo xanh của các chiến sĩ, màu áo trắng của các bác sĩ chúng tôi, trên vai mỗi người đều có những sứ mệnh riêng. Các chiến sĩ hải quân với sứ mệnh bảo vệ vùng trời, biển đảo của Tổ quốc để đem đến sự yên bình cho chúng tôi ở đất liền. Do đó những bác sĩ trẻ chúng tôi phải phấn đấu chuyên môn, y nghiệp để bảo vệ sức khỏe nhân dân, trong đó có gia đình, người thân của các chiến sĩ đang bảo vệ biển đảo.

Chúng tôi xin hứa sẽ làm hết sức mình để các đồng chí yên tâm làm nhiệm vụ của mình, vì đã có chúng tôi hàng ngày, hàng đêm bảo vệ sức khỏe cho người thân của các anh chị. Đây là niềm kiêu hãnh, cũng là niềm tự hào của chúng tôi.

Đội ngũ y bác sĩ trẻ cũng khao khát, sẵn sàng và mong muốn có cơ hội công tác tại các đảo chìm, những nơi khó khăn ở Trường Sa để cống hiến, hòa chung 2 màu áo với các chiến sĩ, tạo nên một khối thống nhất để cùng xây dựng và bảo vệ và phát triển đất nước trong tương lai".

Rời Trường Sa, có rất nhiều hình ảnh đáng nhớ đã đọng lại trong lòng mỗi y bác sĩ được tham gia hành trình hôm nay. Trong đó có hình ảnh những chiến sĩ hiên ngang đứng vững trước cái nắng gió khắc nghiệt để bảo vệ cột mốc chủ quyền của dân tộc. Trong đó có nụ cười tinh khôi, hồn nhiên của những chàng trai mười tám, đôi mươi vẫn lạc quan giữa muôn vàn thiếu thốn.

Tất cả đều làm cho những y bác sĩ rưng rưng xúc động. Nếu trong cuộc chiến với Covid-19, các nhân viên Y tế, các thầy thuốc trẻ của TPHCM đã làm tròn sứ mệnh của mình với khẩu hiệu “F0, chúng tôi luôn bên bạn” thì hôm nay trên vùng biển đảo thiêng liêng của dân tộc, họ cũng tự hứa với các chiến sĩ: “Trường Sa, chúng tôi luôn bên các anh"!