Những ngày tháng Tư lặng sóng, thời điểm biển êm và đẹp nhất trong năm. Chuyến hải trình đưa đoàn đại biểu đại diện Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 vì thế cũng thuận lợi hơn nhiều trên con tàu mang số hiệu 290 của Vùng 2 Hải quân. Kể từ khi đặt chân lên con tàu ấy, trong mắt đoàn đại biểu, thủy thủ đoàn đang làm nhiệm vụ trên tàu chính là những sứ giả - những cánh hải âu trên biển để nối liền hai nhịp quê hương – đất liền và hải đảo.
Âm thanh báo thức từ loa thông báo của con tàu khiến không ít đại biểu “giật mình” khi còn đang say giấc nồng. Ấy vậy mà mấy ai ngờ được, âm thanh này lại có thể “gieo thương nhớ” đến vậy khi tạm biệt con tàu về với đất liền. Thậm chí có người còn ghi âm lại để khi chia xa rồi còn được nghe tiếng báo thức đầy cảm xúc.
Mặt trời trên biển thức dậy rất sớm. Thế nhưng thủy thủ đoàn, tổ xuồng, tổ phục vụ lại còn thức sớm hơn để chuẩn bị mọi công tác cho đoàn đại biểu hoạt động an toàn, hiệu quả mỗi ngày, trong chuyến hải trình ra thăm đảo. Hỏi ra mới biết, tổ phục vụ vốn dĩ được tập hợp lực lượng từ nhiều con tàu khác nhau, họ được tăng cường đến đây cùng thủy thủ đoàn của tàu 290 để hỗ trợ cho đoàn công tác.
7 năm theo nghiệp lính biển, đã từng làm nhiệm vụ tại nhà giàn DK1 và trên những con tàu khác, bạn Đỗ Chí Thanh chia sẻ về những phần việc được giao trong chuyến công tác này: “Chúng em dậy từ 4h sáng và ngủ lúc 11h đêm. Từ sáng chúng em dậy sớm để chuẩn bị bát đũa cho mọi người tại các nhà ăn.”
Đoàn đại biểu chụp hình lưu niệm. Hình: Kim Ngân
Trong khi đoàn đại biểu tất bật với lịch trình hoạt động trên các đảo thì họ lại miệt mài toan lo các công tác hậu cần như vậy. Dẫu biết rằng mỗi người một nhiệm vụ, song sự tỉ mỉ, chu đáo và tận tâm của các anh càng khiến người ta vừa cảm kích, vừa nể phục. Dù chỉ mới phối hợp cùng nhau nhưng các thành viên tổ phục vụ lại khá ăn ý. Giữa họ dường như có một mối dây liên kết vô hình của những người lính biển luôn sẵn sàng hỗ trợ, kề vai sát cánh bên nhau trên mọi mặt trận, từ ở tiền tuyến hay lui về phía hậu phương.
Giao lưu văn nghệ ở Trường Sa. Hình: Kim Ngân
Một sân khấu lạ lùng chưa từng có, tiếng hát hòa lẫn tiếng lèo xèo xào nấu. Đó là giây phút hiếm hoi các thành viên trong nhà bếp vừa làm việc vừa giao lưu với các ca sĩ trên tàu. Bởi lẽ các anh cứ luôn tay luôn chân chuẩn bị cho các bữa ăn trong ngày từ sáng đến tối. Làm anh nuôi cho chuyến hải trình này vốn không hề đơn giản, làm sao để thiết kế một thực đơn vừa tươi ngon lại không nhàm chán cho suốt chuyến hành quân là bài toán khó.
Nếu không phải là một người có kinh nghiệm xử lí thì có lẽ người bếp trưởng sẽ khó lòng đảm đương. Anh Trần Lệ Hùng – đầu bếp trên tàu 290 chia sẻ: “Với vinh dự được phục vụ đoàn, anh em quyết tâm thực hiện tốt từ khâu chuẩn bị lương thực, thực phẩm đảm bảo định lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi chế biến thì đảm bảo dinh dưỡng, phát huy trí tuệ tập thể để chế biến các món ăn theo vùng miền. Sau đó nghe góp ý nếu chưa ngon thì điều chỉnh cho bữa sau ngon hơn bữa trước…”
Chính vì vậy mà những bữa ăn trên tàu luôn là những bữa ăn tuyệt vời và đáng nhớ. Trong từng món ăn, ta như nếm được cả tâm tư của người nấu gửi vào và quan trọng hơn cả mỗi thành viên trong đoàn cảm nhận được không khí một gia đình lớn.
Để đến các đảo và điểm đảo, đoàn công tác được đưa lên những chiếc xuồng nhỏ. Công việc lên – xuống tưởng chừng quá đơn giản ấy lại là công đoạn mà “người trong nghề” phải lo lắng nhiều nhất. Chỉ cần sóng cao một chút, gió mạnh một chút là đã gây khó khăn cho việc đưa đoàn vào đảo, bởi hầu hết thành viên đoàn đại biểu đều không quen với sóng to gió cả.
Tổ xuồng chính là bộ phận thực hiện nhiệm vụ này. Vì tính chất quan trọng và tiềm ẩn nhiều rủi ro nên họ lúc nào cũng là tổ phải đi đầu trong công tác chuẩn bị mỗi khi sắp lên thăm đảo. Không quá vạm vỡ nhưng thành viên tổ xuồng ai nấy đều rắn rỏi, săn chắc và đặc biệt bản lĩnh. Chính họ là điểm tựa vững chắc, đáng tin cậy cho mỗi đại biểu khi rời tàu, lên xuồng để vào thăm đảo.
Anh Lê Quang Duy – Phó thuyền trưởng – Tổ trưởng tổ xuồng cho biết: “Ban đầu tâm lí cũng khá căng thẳng. Vì trách nhiệm của mọi người là trên vai mình. Nhưng sau đó mình nghĩ mình phải bình tĩnh thì đại biểu mới bình tĩnh được. Do vậy mình cố gắng bình tĩnh, giữ tập trung đảm bảo an toàn cho đoàn. Khi sóng to gió lớn, phải tăng cường quan sát con sóng để xử lí, trấn an đó chỉ là những cơn sóng lớn lâu lâu mới có thôi”.
Với đoàn đại biểu, con tàu này chỉ là phương tiện để vượt đại dương. Nhưng với các thành viên đang làm nhiệm vụ trên tàu thì nơi đây chính là mái nhà của họ. Đêm đêm khi các đại biểu đã chìm vào giấc ngủ, các thành viên thủy thủ đoàn cùng thức thay nhau làm nhiệm vụ canh giữ và lèo lái con tàu. Nhân vật sau cùng mà bài viết này muốn nhắc đến chính là vị thuyền trưởng, người chịu trách nhiệm lớn nhất về sự vận hành của tàu 290. Với những chuyến hải trình đặc biệt như thế này, áp lực trên vai người thuyền trưởng chưa bao giờ là nhỏ.
Nhưng với kinh nghiệm, bản lĩnh của mình, anh đã góp phần không nhỏ để đoàn công tác thành công trọn vẹn. Thậm chí còn “gieo thương nhớ” cho những người con Thành phố bởi lời báo thức mỗi sớm mai trên tàu. Thuyền trưởng Quách Hữu Quang bày tỏ: “Được chở các đoàn, đặc biệt là đoàn TP.HCM ra thăm nhân dân và chiến sĩ ở Trường Sa và nhà giàn DK1 thì cảm thấy rất vinh dự và tự hào. Cảm thấy mình như nhịp cầu nối để mang tình cảm nỗi nhớ, tình thương, hơi ấm của đất liền đến với nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc…”
Theo các nhà chuyên môn thì chim hải âu là loài chim khí tượng, bạn đồng hành của những người đi biển. Còn những cánh hải âu của tàu 290 lại là những cánh yêu thương. Những cánh yêu thương lặng lẽ vượt trùng khơi mang theo tấm lòng của bao người con đất liền ra nơi hải đảo.
Khép lại hải trình gần 1300 hải lí từ thành phố mang tên Bác đến với quân và dân huyện đảo Trường Sa, mỗi thành viên đoàn công tác sẽ lại tiếp tục những chuyến đi mới. Nhưng chắc chắn rằng, những phút giây được cùng nhau trải nghiệm, trao gửi yêu thương đến đồng bào, chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió và cả những thành viên của tàu 290 sẽ mãi mãi là những khoảnh khắc không thể nào quên.
Có nước mắt, có nụ cười, và cả tự hào dân tộc vô bờ bến. Yêu thương và trân quý lắm những con người đang ngày đêm canh giấc bình yên cho biển đảo quê hương. Họ đã sống xứng đáng với trách nhiệm mà non sông giao phó.
Và tất cả chúng ta – những người con đất liền hãy sống trách nhiệm hơn với những gian khổ, hi sinh của nơi tuyến đầu Tổ quốc.
“Qua chuyến đi thấy vững tin hơn về nơi hải đảo vì ý chí của các chiến sĩ trẻ, và nhìn thấy được tương lai của cả đất nước mình qua hình ảnh thế hệ trẻ tham gia đoàn công tác…Thấy có trách nhiệm hơn và càng phải ra sức cùng cả nước chung tay gìn giữ chủ quyền biển đảo Tổ quốc…Với vai trò một nhà báo, Tiểu Quyên sẽ tiếp tục chia sẻ câu chuyện về Trường Sa, qua đó hi vọng sẽ kết nối nhiều hơn nữa tình yêu quê hương và biển đảo…” – nhà báo Tiểu Quyên chia sẻ.
Mời nghe nội dung bài viết trong chương trình Sài Gòn buối sáng 1/5/2019 https://radio.voh.com.vn/sai-gon-buoi-sang/sai-gon-buoi-sang-01-05-2019-316104.html