1. Khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trong hoạt động đối ngoại
Trong năm 2022, nhiều chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các chuyến thăm của lãnh đạo nước ngoài tới Việt Nam cho thấy hoạt động đối ngoại sôi nổi và hiệu quả, góp phần đưa quan hệ hợp tác ngày càng thực chất và có chiều sâu.
Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào cuối tháng 10 là sự kiện đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam và Trung Quốc, được dư luận hai nước và quốc tế rất quan tâm.
Trong năm 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có các chuyến thăm cấp Nhà nước tới Singapore, Hàn Quốc, thăm cấp Nhà nước tới Indonesia, thăm chính thức Vương quốc Thái Lan và dự Hội nghị cấp cao APEC 29….
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Campuchia; tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ, Hội nghị cấp cao ASEAN, thăm chính thức Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm ASEAN - EU...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Hungary, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Lào, Campuchia, Philippines, Australia, New Zealand; tham dự Hội nghị Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA).
2. Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, nhiệm kỳ 2023-2025
Ngày 11/10/2022 tại Trụ sở Liên Hợp Quốc (New York, Hoa Kỳ), Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bầu 14 quốc gia làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, trong đó có Việt Nam.
Kết quả bầu cử cho thấy sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao.
Với trọng trách mới tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Việt Nam sẽ có cơ hội đóng góp vào thúc đẩy tất cả các quyền con người trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại.
3. Tăng trưởng GDP năm 2022 ấn tượng
Theo Tổng cục Thống kê công bố, ước tính GDP năm 2022 của Việt Nam tăng 8,02% so với năm 2021 (vượt mục tiêu đề ra 6 - 6,5%). Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.
Lạm phát được kiểm soát ở mức 3,1-3,3%. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện khoảng 21 tỷ USD.
Tổng cục Hải quan cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt khoảng 750 tỷ USD, tăng 12,18%.
Đây là kết quả ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm động lực tăng trưởng, lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao.
4. Triển khai gói hỗ trợ thuế, phí lớn nhất từ trước tới nay
Trong năm 2022, ngành Thuế tiếp tục triển khai các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, tiền thuê đất để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với tổng số tiền lên tới trên 186.000 tỷ đồng.
Việc thực hiện kịp thời, có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được đánh giá là có tác động tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi và phát triển KT-XH trong nước.
5. Kinh tế số tăng trưởng đột phá
Báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á” lần thứ 7 do Google, Temasek và Bain & Company công bố, nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa dự kiến tăng 28%, đạt mốc 23 tỷ USD trong năm 2022.
Đóng góp cho tốc độ tăng trưởng nhanh này là sự phát triển ấn tượng của thương mại điện tử với mức tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Bộ TT&TT, doanh thu của ngành kinh tế số năm 2022 ước đạt 148 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2021. Thương mại điện tử của Việt Nam xếp thứ 5 thế giới về tốc độ tăng trưởng, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
6. Các tổ chức quốc tế nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam
Năm 2022, cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới là Moody's, Standard & Poor's (S&P) và Fitch Ratings đều đánh giá hạng tín nhiệm của Việt Nam một cách tích cực.
Moody's đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng "Ổn định."
Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là một trong bốn quốc gia trên thế giới được Moody’s nâng bậc tín nhiệm.
7. Thông qua chủ trương đầu tư 12 dự án giao thông trọng điểm
Đầu tháng 1/2022, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí lên tới 146.990 tỷ đồng.
Với kế hoạch xây mới 729 km, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 2.000 km từ Lạng Sơn đến Cà Mau sẽ được hoàn thiện.
12 dự án này có tổng kinh phí lên tới 146.990 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công, giải phóng mặt bằng quy mô sáu làn xe, trong đó giai đoạn 1 làm bốn làn xe.
Riêng đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau có quy mô bốn làn xe. Mục tiêu đặt ra sẽ hoàn thành xây dựng vào năm 2025 để đưa vào khai thác từ năm 2026.
8. Gần 10.000 nhân viên y tế nghỉ việc, thuốc và vật tư y tế thiếu trầm trọng
Cả nước có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc, có 8.810 nhân viên y tế thuộc các Sở Y tế, 870 viên chức y tế thuộc các đơn vị sự nghiệp Bộ Y tế.
Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức y tế thôi việc, bỏ việc cao: TP Hồ Chí Minh (2.035), Hà Nội (1.032), Đồng Nai (496), Bình Dương (368)...
Nhắc đến khủng hoảng y tế công trong năm 2022 không thể không nhắc đến tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế trầm trọng.
9. Chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, xăng dầu nhiều biến động
Năm 2022, VN-Index lần đầu tiên trong lịch sử có phiên vượt 1.500 điểm nhưng chỉ sau hơn nửa năm đã rơi xuống dưới 900 điểm. Biến động mạnh liên tiếp đã đưa VN-Index lọt "top" các chỉ số tăng-giảm mạnh nhất thế giới.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp - kênh dẫn vốn trung và dài hạn bị ảnh hưởng tiêu cực khi một số vụ án liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp bị khởi tố. Nhà đầu tư cá nhân bán lại trái phiếu trước hạn do lo ngại doanh nghiệp không trả được nợ.
Lĩnh vực bất động sản cũng phải đối mặt hàng loạt khó khăn khi thị trường đóng băng, ngân hàng siết tín dụng, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn vướng vòng lao lý…
Thị trường xăng dầu tháng 10, tháng 11, người dân một số đô thị phải xếp hàng dài để chờ mua xăng hoặc chỉ được mua xăng theo định mức. Thậm chí có thời điểm có tới 200/17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.
10. Khởi tố và xét xử nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng
Năm 2022, Đảng và Nhà nước tiếp tục quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng. Nhiều đại án kinh tế được điều tra và truy tố. Hàng loạt cán bộ chủ chốt, nguyên lãnh đạo cấp cao bị đưa ra xét xử.
Vụ Công ty Việt Á; Chuyến bay giải cứu; Vụ Trịnh Văn Quyết (chủ tịch FLC) sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán; Vụ Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tân Hoàng Minh); Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Vạn Thịnh Phát) liên quan đến sai phạm trong trái phiếu doanh nghiệp; Vụ Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch AIC) sai phạm về đấu thầu; Vụ nhận hối lộ ở các trung tâm đăng kiểm; Vụ lừa đảo tại công ty Alibaba… là những vụ án được dư luận quan tâm trong năm 2022.
Tới nay, vụ án tại công ty Việt Á, các Cơ quan điều tra đã khởi tố 29 vụ án, 102 bị can; Vụ án "chuyến bay giải cứu", khởi tố 35 bị can về các tội danh như nhận hối lộ, đưa hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…; Vụ án liên quan Vạn Thịnh Phát và Công ty An Đông, đến nay đã khởi tố 2 vụ án, 27 bị can.
Cơ quan điều tra đang tập trung xem xét, xử lý triệt để các vụ án trên tinh thần thượng tôn pháp luật, "không có ngoại lệ, không có vùng cấm".