Thông tin trên được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ tại Hội thảo “Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng” vào sáng 4/7.
Ông Phạm Tiến Dũng cho biết: "Con số trên bằng cả một năm ngành Ngân hàng mở tài khoản cho khách hàng.
Về cơ bản, đa số người có tài khoản có thể xác thực được qua điện thoại có NFC (kết nối không dây trong phạm vi ngắn). Số ít có vướng mắc và được các ngân hàng hỗ trợ tài quầy. Hiện có ngân hàng đã làm xong xác thực 2,6 triệu tài khoản khách hàng...".
Việc triển khai xác thực sinh trắc học góp phần bảo đảm các giao dịch thanh toán trực tuyến chỉ được thực hiện bởi chính chủ tài khoản, qua đó sẽ nâng cao an ninh, an toàn, bảo mật cho các giao dịch thanh toán trực tuyến, giảm thiểu rủi ro gian lận, lừa đảo trong giao dịch thanh toán trực tuyến, phòng ngừa những vụ việc cho thuê, mượn, mua bán tài khoản thanh toán, ví điện tử sử dụng cho mục đích bất hợp pháp.
Phó Thống đốc cho biết, ngày 1/7 - ngày đầu tiên thực hiện xác thực sinh trắc học có xảy ra nghẽn mạng cục bộ, tới ngày 2 - 3/7, hệ thống ngân hàng đã hoạt động thông suốt. Ngân hàng Nhà nước kiểm soát giao dịch hàng giờ, có biểu đồ từng ngân hàng báo cáo, cập nhật liên tục.
Theo Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, hơn 87% người trưởng thành tại Việt Nam đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số.
Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017 - 2023 đạt trên 100%/năm.
Hạ tầng công nghệ ngân hàng thường xuyên được đầu tư nâng cấp, phát triển, đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn; hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830.000 tỷ đồng/ngày (tương đương 40 tỷ USD), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20 -25 triệu giao dịch/ngày.