2018: Chính phủ tập trung nâng cao hiệu quả việc huy động và sử dụng các khoản vay nợ

(VOH) – Để thực hiện mục tiêu này, ngành tài chính đang rà soát, kiến nghị điều chỉnh chính sách theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.

Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương để triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, sáng 29/12, các đại biểu nghe Bộ trưởng: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lao động, Thương binh và Xã hội; Tài nguyên và Môi trường; Công an và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trình bày những mục tiêu, định hướng trong công tác quản lý nhà nước trong năm 2018 cũng như kiến nghị, đề xuất một số giải pháp để làm tốt hơn nữa công tác quản lý chuyên ngành.

Ảnh: VGP

Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán được giao 5%

Báo cáo về hoạt động của ngành tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay: cùng với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế cần thực hiện quyết liệt, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công được đảm bảo an toàn, an ninh tài chính quốc gia theo các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước.

Để thực hiện mục tiêu này, ngành tài chính đang rà soát, kiến nghị điều chỉnh chính sách thu theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, trong điều kiện kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, năm 2017, công tác thu ngân sách nhà nước trong năm 2017 hoàn thành và vượt dự toán được giao 5%. Ngoài ra, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng ngân sách Trung ương vẫn đảm bảo cân đối, bội chi ngân sách nhà nước giảm 4.000 tỷ đồng so với dự toán và ước bằng 3,48% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực hiện. Lãi suất giảm cũng đã giúp đảo ngược cơ cấu nợ trong và ngoài nước từ mức 39% -61% trong năm 2011, đến nay đã lên 60% so với 40% trong năm 2016.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, cho biết tình hình nợ công đã bớt áp lực hơn rất nhiều so với các năm trước đây. Đây là thời điểm cần tập trung quản lý để nâng cao hiệu quả của việc huy động và sử dụng các khoản vay nợ; có đủ bản lĩnh và điều kiện để từ chối các khoản vay nợ với điều kiện lãi suất cao, hiệu quả sử dụng thấp. "Các bộ ngành, địa phương cần thận trọng hơn khi đề xuất vay, tăng cường quản lý hiệu quả sử dụng vốn, đẩy nhanh tiến độ triển khai để giảm thiểu chi phí vay. Mặc dù các kết quả đạt được trong năm 2017 là tích cực, toàn diện nhưng nhiệm vụ của năm 2018 và những năm tiếp theo của kế hoạch 2016 - 2020 còn rất nặng nề. Trong điều kiện giảm sâu thuế nhập khẩu, giảm sản lượng khai thác dầu thô, tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước, đảm bảo chi trả nợ, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển nên dự toán chi thường xuyên cần phải bố trí chặt chẽ. Các bộ, ngành địa phương tự cân đối nguồn làm lương”, Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề nghị.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp

Trong lĩnh vực nông nghiệp, năm 2017, ngành đã phấn đấu đạt nhiều chỉ tiêu mà Chính phủ giao như tốc độ tăng trưởng ở mức 2,84%, tỷ lệ xuất khẩu đạt 32 tỷ đô la Mỹ, 32% số xã đạt 19 tiêu chí trong việc xây dựng nông thôn mới. Đây đều là những chỉ tiêu cao nhất được giao từ trước đến nay. Đáng chú ý, ngành nông nghiệp đã lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp các địa phương hoàn thành các mục tiêu đề ra dù phải thực hiện trong điều kiện khó khăn, thiên tai, bão lũ.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, chưa bao giờ khu vực nông nghiệp nhận được sự quan tâm của toàn thể hệ thống chính trị như năm vừa rồi, tạo ưu điểm lớn để ngành phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Nông nghiệp không phải là lĩnh vực nhỏ bé, đóng góp tỷ trọng nhỏ trong GDP của đất nước mà còn động lực để vực dậy nền kinh tế trong những giai đoạn kinh tế khó khăn. Nhiều địa phương như TPHCM, tỷ trọng ngành nông nghiệp chỉ còn 0,8% nhưng TP vẫn xúc tiến đầu tư để phát triển dịch vụ cung ứng chuyển giao dịch vụ, cây giống kỹ thuật theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh đến một số đề xuất trong năm mới 2018: Một là, làm sao tạo điều kiện cho các Doanh nghiệp tập trung đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực nông nghiệp nhiều hơn ở các hợp tác xã. Thứ hai, nhóm đất đai đang có 6,7 nút thắt cần tháo gỡ. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tổng hợp, hướng tới trình Thủ tướng, Quốc hội sửa Luật đất đai để tháo gỡ vướng mắc này để từ đó tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ngành du lịch phấn đấu đạt 15 triệu lượt khách trong năm 2018

Báo cáo về hoạt động của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, trong năm 2017, Bộ đã thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm ở lĩnh vực văn hóa, di sản, du lịch, thể dục thể thao. Điển hình, như Bộ đã trình Chính phủ công nhận 24 bảo vật quốc gia, cấp chứng nhân thêm 10 di tích quốc gia đặc biệt; những hiện tượng phản cảm trong các hoạt động lễ hội truyền thống được kiểm soát chặt chẽ; các lĩnh vực điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật đều phản ánh đúng thực tế chuyển biến chung của mỗi lĩnh vực.

Về thể thao, năm 2017 cũng là năm thành công khi mà điền kinh Việt Nam vượt qua Thái Lan giành ngôi vị nhất của khu vực Đông Nam Á, bóng đá nữ lần thứ 5 giành huy chương vàng. Năm 2017, Việt Nam cũng đón trên 13 triệu lượt khách quốc tế…

Trên cơ sở thành tích đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết một số mục tiêu của năm mới 2018 phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu đón 15 triệu lượt khách trong năm 2018. Nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch VN, tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam; triển khai đề án cơ cấu lại ngành du lịch; tăng cường và đổi mới công tác xúc tiến và quảng bá du lịch, phát triển các sản phẩm đa dạng, độc đáo, chất lượng, chuyên biệt; khắc phục những tồn tại, hạn chế của du lịch Việt Nam liên quan đến môi trường du lịch, quản lý tốt các điểm đến du lịch để bảo đảm an ninh, an toàn, thân thiện và văn minh cho du khách; nâng cao chất lượng du lịch, khắc phục tour du lịch 0 đồng, quản lý lữ hành, hướng dẫn viên chui…

Cuối buổi sáng 29/12, các đại biểu đã nghe báo cáo, phát biểu chỉ đạo của Bộ Công thương, Lao động, Thương binh và Xã hội; Tài nguyên và môi trường; Bộ Công an; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các Phó Thủ tướng…

Bình luận