84% các ca tử vong tại Việt Nam đến từ các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, tiểu đường và các bệnh mãn tính khác. .
Thông tin tạ Hội nghị khoa học năm 2024 do Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp cùng Bộ Y tế tổ chức.
Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, ngoài việc ứng phó với các bệnh truyền nhiễm, Việt Nam còn phải đối mặt với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm.
Ông cho biết, sự gia tăng cả về số lượng ca mắc lẫn mức độ nghiêm trọng của các bệnh này đang tạo ra những thách thức lớn cho sức khỏe cộng đồng.
Tại hội nghị, các chuyên gia đã tập trung vào việc chia sẻ các nghiên cứu khoa học và giải pháp y tế mới nhất nhằm nâng cao chất lượng điều trị và quản lý các bệnh không lây nhiễm. GS.TS Trần Văn Thuấn nhấn mạnh rằng tình trạng ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu, và lối sống hiện đại đã làm tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp mãn tính như phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, và các bệnh liên quan đến tim mạch.
Bệnh ung thư cũng đang là mối lo ngại lớn. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 182.000 ca ung thư mới và hơn 122.000 ca tử vong vì ung thư.
Tổng số bệnh nhân mắc ung thư tại Việt Nam hiện khoảng 360.000 người, cho thấy gánh nặng mà bệnh này đang đè nặng lên hệ thống y tế. Các bệnh về khớp cũng là một vấn đề đáng báo động, khi số người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp đang tăng nhanh, đặc biệt trong nhóm người cao tuổi.
Để đối phó với tình hình này, Bộ Y tế đang triển khai các chiến lược và kế hoạch dài hạn nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng. Một trong những ưu tiên là hoàn thiện thể chế, với các dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi và Luật Dược sửa đổi đang được trình Quốc hội xem xét thông qua.
Đặc biệt, Bộ Y tế đang hướng tới việc đề xuất chi trả bảo hiểm y tế cho các dịch vụ khám sàng lọc và phát hiện sớm các bệnh như ung thư vú và ung thư cổ tử cung tại các tuyến cơ sở.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề ra kế hoạch kiện toàn hệ thống y học dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu, cùng việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm tăng cường năng lực y tế của quốc gia.
Hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học cũng được đẩy mạnh để phát triển các phương pháp điều trị tiên tiến và hiệu quả hơn.