Chờ...

9 tháng thu hồi tài sản tham nhũng hơn 1.000 tỷ đồng, đạt 60%

(VOH) - Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thông tin, 9 tháng đầu năm 2022 thu hồi được hơn 1.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 60% và gấp đôi so với năm 2021.

Tại Phiên chất vấn, đại biểu Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đặt câu hỏi tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thất thoát còn thấp, tham nhũng trên một số lĩnh vực còn diễn biến nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Đại biểu đề nghị Tổng thanh tra cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới?

Một số đơn vị, địa phương trong thời gian ngắn phải tiếp và làm việc với nhiều đoàn thanh tra Nhà nước, thanh tra chuyên ngành kiểm tra, kiểm toán. Theo đại biểu, nội dung có thể khác nhau nhưng làm việc liên tục như vậy sẽ ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các đơn vị. Đề nghị Tổng thanh tra cho biết giải pháp trong phối hợp với các cơ quan kiểm tra, kiểm toán để khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp này trong thời gian sắp tới?

 Đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đặt câu hỏi thời gian qua Tổng Thanh tra Chính phủ đã chủ động chỉ đạo hoạt động thanh tra đột xuất liên quan các vụ việc tham nhũng trong ngành thanh tra như thế nào? 

9 tháng thu hồi tài sản tham nhũng hơn 1000 tỷ đồng, đạt 60% 1
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong

Trả lời đại biểu Lê Thanh Vân về việc chỉ đạo thanh tra đột xuất, phòng chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu rõ thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và thực hiện đúng quy định của luật, theo đúng chức năng, nhiệm vụ.
Thời gian vừa qua có nhiều cuộc thanh tra sản xuất có tính phức tạp, quy mô lớn, có nhiều sai phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Qua kết quả thanh tra đã kiến nghị xử lý và chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật. 

Về thực trạng ngăn chặn xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chia sẻ đây là một trong những nhiệm vụ khó khăn, vướng mắc, phức tạp nên luôn được sự quan tâm lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua, các cơ quan theo chức năng đã là thực hiện tốt những công việc về thu hồi tài sản tham nhũng và đạt tỷ lệ là năm sau cao hơn năm trước. Kết quả 9 tháng đầu năm 2022, thanh tra tiến hành đôn đốc, thanh tra 5586 kết luận thanh tra. Qua đó, thu hồi được hơn 1.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 60% và gấp đôi so với năm 2021.

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, tỷ lệ thu hồi tham nhũng vẫn còn thấp. Do đó, trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ tập trung giải pháp khắc phục như hoàn thiện quy định pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng; tăng cường xử lý sau thanh tra, thi hành án về thu hồi tài sản nhũng. Trong quá trình điều tra và phát hiện dấu hiệu tội phạm phải chủ động có biện pháp kê biên, phong tỏa, tạm giữ tài sản để đảm bảo xử lý. Sau thanh tra thi hành án và kịp thời tháo gỡ khó khăn những quá trình thu hồi và tăng cường hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp để thu hồi tài sản tham nhũng. 

Về xử lý tập thể, cá nhân, nhất là nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, qua theo dõi đôn đốc, kiểm tra thực hiện xử lý sau thanh tra của ngành thanh tra thì các cơ quan đã xử lý hành chính là 1714 tổ chức và 4841 cá nhân và chuyển cơ quan điều tra là 76 vụ, 93 đối tượng.

Về chậm ban hành kết luận thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra do nhiều nguyên nhân, chủ quan, khách quan. Trong đó, cuộc thanh tra có vi phạm quy mô lớn, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều đối tượng có tính chất phức tạp. Một số quy định pháp luật còn bất cập, đặc biệt là về vấn đề quy định, thời gian báo cáo và dự thảo kết luận thanh tra. Khối lượng công việc nhiều nhưng lực lượng thanh tra, nhất là Thanh tra Chính phủ rất mỏng và ý thức trách nhiệm của một số thành viên, kỹ năng, năng lực còn hạn chế hay chưa hết trách nhiệm.