Án về BVQLNTD: Cần bỏ điều kiện giao dịch dưới 100 triệu mới áp dụng thủ tục rút gọn
Liên quan đến việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn tại Tòa án, Điều 70 dự thảo quy định, một trong những điều kiện để được giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn là giá trị giao dịch phải dưới 100 triệu đồng.
Theo đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa), mục tiêu đặt ra của dự án luật này là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Do đó, đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi đáp ứng quy định hoặc khi có đủ một số điều kiện cụ thể được quy định trong dự thảo Luật.

Trong Bộ luật Tố tụng Dân sự cũng không quy định điều kiện hạn chế áp dụng thủ tục rút gọn như đối với các giao dịch trên hay dưới 100 triệu đồng. Đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị bỏ điều kiện khống chế này trong dự thảo Luật.
Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng quy định các vụ tranh chấp từ 100 triệu đồng trở lên sẽ không được áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án là không phù hợp với thực tế và chưa đồng bộ trong cách tiếp cận của luật.

Đại biểu Nguyễn Hòa Bình (Chánh án TANDTC, ĐBQH tỉnh Bắc Giang) đồng tình với ý kiến của các ĐBQH đã nêu trước đó (như đại biểu Lê Xuân Thân) cho rằng, quy định tại Điều 70 của dự thảo Luật là hạn chế quyền lợi người dùng. Đại biểu đề nghị bỏ quy định tại Điều 70 của dự thảo Luật.
Tuy nhiên, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, qua tham khảo kinh nghiệm thế giới, đối với các vụ án có quy mô nhỏ như tại Đức, các vụ án tranh chấp dân sự có giá trị dưới 50 ngàn Euro thì Tòa án tối cao không giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm vì chi phí cho việc giải quyết vụ án có quy mô nhỏ này sẽ lớn gấp nhiều lần giá trị tranh chấp (1 ngàn - 2 ngàn Euro).
Với những tranh chấp của người tiêu dùng dưới quy mô 100 triệu, ông Nguyễn Hòa Bình đề nghị Ban soạn thảo cần tham khảo kinh ngiệm thế giới và quy định như Điều 70 của dự thảo Luật là chưa thỏa đáng. Nếu quy định thỏa mãn theo Điều 37 của Bộ luật Dân sự thì có thể áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn.
Nếu quy mô tranh chấp các vụ án dưới 100 triệu, có thể phức tạp, không thỏa mãn Điều 37 của Bộ luật Dân sự thì vẫn áp dụng thủ tục rút gọn sẽ thỏa đáng hơn.