Về mục tiêu, Chính phủ cho biết, Nghị quyết nhằm xây dựng các cơ chế, chính sách vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM, góp phần xây dựng và phát triển TPHCM.
Chính phủ cho biết, dự thảo nghị quyết có 44 chính sách. Xét về tính mới và kế thừa, dự thảo Nghị quyết gồm 4 nhóm cơ chế, chính sách.
Theo báo cáo tóm tắt dự thảo Nghị quyết ngày 23/5, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép TPHCM được sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện dự án, công trình đường bộ vùng, liên vùng; được hỗ trợ địa phương trong nước cũng như tại nước khác.
Thành phố được áp dụng thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD), trong đó sử dụng ngân sách địa phương triển khai dự án đầu tư công độc lập để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với một số dự án giao thông.
TPHCM khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch; sử dụng phương tiện công cộng để hạn chế ùn tắc.
Về ngân sách - thuế và cơ chế tài chính
Trường hợp TPHCM có nguồn thu ngân sách địa phương để bố trí tăng chi đầu tư phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn thì được thực hiện trước việc phân bổ nguồn thu này cho dự án mới, bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, làm cơ sở bố trí vốn hàng năm.
Chính phủ muốn bổ sung quy định thành phố miễn, giảm thuế thu nhập đối với cá nhân, doanh nghiệp hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trên địa bàn.
Cho phép thí điểm cơ chế tài chính giảm phát thải khí nhà kính theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Ngân sách TPHCM hưởng 100% nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon.
Thành phố cũng được tự quyết cơ chế, chính sách ưu đãi, ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực sản xuất chip, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, vật liệu mới.
Xây dựng - quy hoạch và đầu tư
Dự thảo nghị quyết trao quyền cho TPHCM được bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong phạm vi dự án nhà ở thương mại hoặc ở vị trí khác tương đương về quy mô; quy định loại đất cụ thể để phát triển nhà ở xã hội; quy định trường hợp về lợi ích quốc gia, cộng đồng khi điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Thành phố được mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa và được chủ động quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP này.
Cơ cấu - tổ chức hành chính
Chính phủ đề xuất Quốc hội trao quyền thành lập Sở An toàn thực phẩm cho TPHCM. Sở này có chức năng thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
TPHCM được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; quy định phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền HĐND, UBND…
Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất 7 chính sách kế thừa từ Nghị quyết 54. Trong đó có cơ chế, thành phố được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách và chi thu nhập tăng thêm.
Dự thảo nghị quyết này sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ chiều 30/5, thảo luận tại hội trường vào sáng 8/6 và dự kiến biểu quyết thông qua vào sáng 24/6.