Chờ...

“Thí điểm cơ chế chính sách mới vượt trội tại TPHCM” gia tăng ưu thế của thành phố

VOH - Kỳ họp thứ V Quốc hội khóa XV sẽ xem xét ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54.

Dự thảo Nghị quyết mới có nội dung mở rộng hơn và cụ thể hơn trên một số lĩnh vực, được xem là cơ chế mới để gia tăng ưu thế, vị trí của TPHCM.

Đây cũng là nhận định chung của các chuyên gia tại Hội thảo khoa học “Thí điểm cơ chế chính sách mới vượt trội tại TPHCM” được tổ chức sáng nay (18/5).

“Thí điểm cơ chế chính sách mới vượt trội tại TPHCM” gia tăng ưu thế của thành phố 1
Quang cảnh Hội thảo - Ảnh: Tuổi Trẻ

Các tham luận tại hội thảo đều khẳng định, sự cần thiết của các cơ chế, chính sách mới vượt trội đối với sự phát triển bền vững của TPHCM trong bối cảnh phát triển mới, để TP phát huy một cách hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế; đón đầu, khai thác tốt các cơ hội để phát triển mạnh mẽ, giữ vững vai trò đầu tàu, trung tâm lan tỏa, tạo xung lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội của khu vực phía Nam và cả nước, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển chung theo tinh thần “TPHCM vì cả nước, cả nước vì TPHCM”.

Xem thêm: Thí điểm chính sách đặc thù phát triển TPHCM với hơn 40 chính sách cụ thể

Để thực hiện tốt các Nghị quyết quan trọng mà Trung ương đã ban hành, theo Tiến sĩ Bùi Ngọc Hiền - Trưởng phòng quản lý khoa học, thông tin tư liệu, Học Viện Cán bộ TPHCM, Nghị quyết cần phải có tính vượt trội và có độ mở để đảm bảo tính cập nhật, bổ sung, giúp nghị quyết luôn mới.

Tiến sĩ Bùi Ngọc Hiền nêu thêm: “Có rất nhiều vấn đề tác động đến quá trình thực thi Nghị quyết này. Đó là sự tác động của đại dịch Covid-19, các vấn đề thực hiện chính quyền đô thị mới. Vấn đề lớn hơn là xung đột pháp lý và xung đột trách nhiệm trong quá trình thực thi Nghị quyết. Tôi rất quan tâm đến nhóm cơ chế tạo nguồn lực phát triển TPHCM thế nhưng nhóm này trong 5 năm gần như thực hiện không được”.

Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo cho biết, sự phát triển của TPHCM đang đứng trước những điểm nghẽn về giao thông, nguồn nhân lực và thể chế. Mặt khác, chính sách pháp luật còn chồng chéo và chung chung, thẩm quyền không rõ, nhiều việc phải xin cấp trên, việc xử lý các vấn đề của TP lớn còn chậm và chưa đáp ứng yêu cầu.

Nêu thêm trăn trở khi trong dự thảo nghị quyết mới không nói đến việc tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP, bà Thảo cho rằng nên mạnh dạn đưa vào đề xuất dự thảo tăng tỷ lệ điều tiết cho TP.

“Dù Nghị quyết mới “nói” có thể cho TPHCM vay đến 120% nhưng nếu không có tỷ lệ điều tiết cao hơn và ổn định nhiều năm thì sự tính toán của TPHCM cũng khó khăn, vì vay nhiều như vậy lấy đâu trả? Cần có tỷ lệ điều tiết ổn định, vì tỷ lệ điều tiết gần đây cho thành phố từ 18-21% là thấp quá, trong khi mỗi năm thành phố cần hàng trăm nghìn tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế xã hội nhưng chỉ đáp ứng được 2/3 nhu cầu” – bà Thảo chia sẻ.

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng xác định những lĩnh vực, nội dung quan trọng cần có cơ chế, chính sách vượt trội để TPHCM phát triển trong thời gian tới như quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thu hút chuyên gia, nhà khoa học… 

Đồng thời, quan tâm tạo lập cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả các mô hình mới như chính quyền đô thị, trung tâm tài chính quốc tế, đô thị tương tác cao, phát triển kinh tế số…

Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM - PGS.TS Nguyễn Tấn Phát trong phát biểu kết luận Hội thảo kiến nghị “Trung ương sớm ban hành luật đô thị và luật đô thị đặc biệt” và “TP cần phân cấp phân quyền nhiều hơn cho các quận, huyện để các quận, huyện phát huy được tinh thần năng động, sáng tạo và thực hiện được nhiệm vụ của chính quyền đô thị”.

Theo PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, TPHCM cần rút ngắn cơ chế thu hút chuyên gia và nhà khoa học để TP thực hiện tốt các cơ chế để phát triển các ngành, lĩnh vực trọng yếu mà TPHCM cần các chuyên gia, nhà khoa học.