Trong một khảo sát của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Sư phạm TPHCM được công bố tại Hội thảo tham vấn chính sách giáo dục mầm non ở khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với trường tổ chức sáng 11/7, cho thấy nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bạo hành trẻ mầm non là do áp lực về thể trạng của trẻ và áp lực từ xã hội.
Ảnh minh họa.
Nghiên cứu được thực hiện trong năm 2018, khảo sát trên 184 giáo viên, người giữ trẻ ở các khu công nghiệp- khu chế xuất tại huyện Bình Chánh, quận Thủ Đức và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Kết quả cho thấy trong các nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ mầm non tại các nhóm trẻ mầm non tư thục, có hai nguyên nhân được nhiều giáo viên lựa chọn nhất là áp lực từ phía cha mẹ, người quản lý về thể trạng của trẻ và áp lực từ xã hội. Hai nguyên nhân này cùng chiếm tỷ lệ 96,2% người được khảo sát lựa chọn.
Một số nguyên nhân khách quan khác dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ mầm non cũng được giáo viên lựa chọn gồm: khối lượng công việc quá nhiều, công việc đòi hỏi trách nhiệm cao, thu nhập chưa tương xứng với khối lượng công việc, số lượng trẻ trong lớp quá đông, thiếu sự kiểm tra, quản lý chặt chẽ của các cấp quản lý...
Bên cạnh đó một số nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ được giáo viên đồng tình cao là: do dễ bị căng thẳng trong môi trường ồn ào, chiếm hơn 86% lựa chọn, do chưa biết cách xử lý khi trẻ gây mất trật tự, không tập trung, bướng bỉnh, chiếm gần 82% lựa chọn.
Từ tình trạng đó, 80,2% giáo viên mong được tạo môi trường làm việc thoải mái, 80,1% giáo viên muốn được giảm tải bớt các hồ sơ, sổ sách không cần thiết để giảm áp lực công việc cho người chăm sóc trẻ, 77,4% giáo viên đề xuất được tăng cường bồi dưỡng kỹ năng quản lý các hành vi của trẻ...