Bài 1: Thắp lên niềm tin nơi tuyến đầu chống dịch

(VOH) - Gian khó, nguy hiểm luôn rình rập là vậy, nhưng những tình nguyện viên tôn giáo ở tuyến đầu chống dịch vẫn luôn nêu cao ý chí, bản lĩnh, kiên cường, ngày đêm động viên, chăm sóc bệnh nhân.

Có tận mắt chứng kiến công việc bộn bề của những tình nguyện viên tôn giáo đang chăm sóc cho bệnh nhân nặng do Covid-19 mới thấu hiểu hết nỗi gian truân, sự hy sinh cống hiến của họ. Ở nơi tuyến đầu chống dịch, hàng ngày luôn túc trực 24/24, lao vào ổ dịch bất kể ngày đêm trong suốt nhiều tháng qua.

Sơ Teresa Mai Thương – Dòng Chúa Quan phòng, hiện đang công tác tại Khoa Covid-19 - Bệnh viện Nhân dân Gia định kể: Mỗi ngày có 3 ca trực, riêng ca đêm từ 21 giờ đêm đến 7 giờ sáng hôm sau, nhưng nếu có ca tử vong hoặc những việc mà mình chưa làm xong thì phải làm cho chu toàn rồi mới giao ca lại. Đối với bệnh nhân nặng, Sơ phải xoay trở, vỗ lưng cho bệnh nhân dễ thở. Rồi tắm gội cho bệnh nhân bằng dầu gội đầu làm sao cho bệnh nhân sạch sẽ mà không bị nhiễm trùng. Vì bệnh nhân nằm một chỗ, chất thải, chất tiết của mồ hôi rất nhiều, nếu không chăm sóc kỹ thì bệnh nhân sẽ bị viêm nhiễm và nguy cơ tử vong cao hơn. “Có những bệnh nhân phải cho ăn qua ống. Còn những bệnh nhân chưa phải thở máy thì ăn bằng miệng, mà người bệnh rất mệt nên mình phải kiên trì đút cho người ta từng muỗng cháo. Nếu không ăn thì không có sức, sẽ bị xuất huyết bao tử...họ không thể nào hồi phục nổi”, Sơ Teresa Mai Thương kể.

Sơ Mai Thương tâm sự, thường thì trong ca trực cũng sẽ ăn không nổi nên chỉ có uống sữa, nước và ăn một miếng bánh nhỏ, ai làm việc trong đó 1 tháng cũng sút ít nhất là 5 ký, vì làm việc liên tục không ngừng nghỉ nên rất đuối sức. Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân rất vất vả, nếu phim chụp X-Quang bệnh nhân bị tổn thương ở phổi thì cần phải lật cho họ nằm sấp xuống. Còn những người thở oxy dòng cao thì họ tỉnh nhưng họ rất mất tinh thần, vì người thân ly tán, qua đời, nên các Sơ phải động viên họ nhiều. “Áp lực công việc của mình rất cao, nếu trong vòng 3 đến 5 phút mà không cố gắng cứu kịp thời, bệnh nhân có khí thở, bệnh nhân sẽ chết não. Vì vậy không được lơ là một phút nào vì tình thương với họ. Bệnh nhân mà thở máy kéo dài thì động viên...", Sơ Mai Thương kể tiếp.

Bệnh nhân Võ Huy Cường, ngụ 6C/14 An Bình, Dĩ An, tỉnh Bình Dương, năm nay 34 tuổi, anh được đưa đến Khoa A2, Bệnh viện Nhân dân Gia Định ngày 19/8 trong tình trạng suy hô hấp, diễn tiến nặng, được đặt ống nội khí quản thông khí nhân tạo và thực hiện ECMO (tim phổi nhân tạo), trong quá trình điều trị anh còn phải chạy thận, lọc máu liên tục…nay anh vừa được ra viện sau hơn 1 tháng điều trị. Anh Cường xúc động nói: “Các Sơ chăm sóc rất tận tình, kỹ lắm. Cái gì mấy Sơ cũng làm hết. Thương nhất mấy Sơ, lúc nào cũng lo cho bệnh nhân được sạch sẽ...khuyên mình cố gắng ăn uống thì mới hết bệnh được”.

Áo dòng giữa tâm dịch 1
Các bệnh nhân F0 được xuất viện sau khi đã điều trị

Còn Sơ Têrêsa Trịnh Thùy Linh – Dòng Thánh Phao Lô là một trong những tình nguyện viên đang phục vụ tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 16 kể lại, sáng nay, Sơ vừa quấn khăn cho 3 bệnh nhân tử vong xong. Sơ cho biết: ngoài chăm sóc, động viên thì có những bệnh nhân nặng, họ quá mệt và không thể tự ăn được thì Sơ đút cháo, lau mặt, thay tã và giúp liên lạc với gia đình làm cầu nối để họ có thêm động lực từ sự động viên của gia đình. Với những bệnh nhân nào không may tử vong, thì các Sơ lại cùng nhau cầu nguyện và quấn khăn cho họ. Lúc đầu chỉ đăng ký tham gia một tháng, nhưng sau khi kết thúc thì mình đăng ký quay trở lại để tiếp tục công việc vì muốn được chia sẻ và phục vụ các bệnh nhân”, Sơ Têrêsa Trịnh Thùy Linh cho biết.

Bác sỹ Vương Trọng Hiếu - Phó Giám đốc Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 16 chia sẻ, hiện bệnh viện đang điều trị cho 1.200 bệnh nhân, số bệnh nhân nặng khoảng 40% cùng với 200 nhân viên y tế và 62 tình nguyện viên công giáo đang hỗ trợ. Bác sĩ Vương Trọng Hiếu rất trân trọng sự giúp đỡ của các thầy, các sơ, và tận đáy lòng của đội ngũ y bác sỹ không có lời nào đủ để mô tả đủ về sự nhiệt tình, dấn thân này. Họ chính là những đồng nghiệp chứ không còn là tình nguyện viên nữa. “Các sơ, các thầy tham gia không quản, không ngại tiếp xúc. Không nghĩ đến địa vị của mình mà lao vào chăm sóc, rót nước, bưng cơm đến tận giường, quét dọn giường chiếu và chăm sóc bệnh nhân”, theo bác sĩ Hiếu.

Nhắc đến các tu sĩ, Tiến sỹ-Bác sỹ Đỗ Ngọc Sơn - Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai - người đã “chinh chiến” qua hầu hết điểm nóng trong các đợt dịch Covid-19 bày tỏ, ông không khỏi khâm phục và biết ơn các quý Sơ đã tham gia vào công tác chăm sóc bệnh nhân nặng và nguy kịch. Bác sĩ Sơn cho biết thêm: “Các tu sỹ giúp đỡ chúng tôi chăm sóc và nâng đỡ các bệnh nhân nặng, cho ăn cho uống, động viên, an ủi người bệnh. Đặc biệt, các sơ, các thầy cũng giúp cho chúng tôi công tác hậu cần như tiếp nhận trang thiết bị, vật tư, phân loại rồi hỗ trợ các bữa ăn cho lực lượng y bác sỹ cũng như bệnh nhân. Bên cạnh đó là việc đảm bảo nhiễm khuẩn tốt và phân chia các loại rác để tập hợp cho các trung tâm thu nhận rác”.

Áo dòng giữa tâm dịch 2
Tình nguyện viên tôn giáo đang chăm sóc 1 bệnh nhân

Gian khó, nguy hiểm luôn rình rập là vậy, nhưng những tình nguyện viên tôn giáo ở tuyến đầu của trận chiến chống dịch vẫn luôn nêu cao ý chí, bản lĩnh, kiên cường, ngày đêm động viên, chăm sóc, bảo vệ tính mạng của bệnh nhân. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu, người đứng ra kêu gọi các tình nguyện viên tôn giáo tham gia chống dịch, rất trân trọng và cảm ơn các chức sắc tôn giáo đã nêu cao tinh thần thiện nguyện, xả thân chia sẻ những khó khăn cùng đội ngũ y bác sĩ và chăm sóc những lúc bệnh nhân không có người thân bên cạnh, giữa lúc đội ngũ y bác sĩ quá tải. “Đây là lực lượng vừa là tinh thần, vừa là vật chất để giúp cho các bệnh nhân giảm phần nào đau đớn. Dù có lúc mình cũng không cứu được bệnh nhân nhưng cũng chia sẻ với những khó khăn, vất vả và những cô đơn mà bệnh nhân phải chịu. Đây là một lực lượng rất đặc biệt, có tình thần thiện nguyện, tinh thần dâng hiến, tinh thần chia sẻ, an ủi, cảm thông rất sâu sắc và rất cần thiết tại các bệnh viện”, bà Tô Thị Bích Châu ghi nhận.

Dù cuộc chiến chống lại dịch bệnh còn chông gai, con đường đi còn nhiều gian khó, nhưng những hy sinh, thiệt thòi đó là để giúp chúng ta kiểm soát được tình hình dịch bệnh, an toàn cho nhân dân.