Chờ...

Bài học sau vụ cháy chung cư Carina

(VOH) - Vụ cháy nghiêm trọng tại chung cư Carina Plaza, quận 8 lại một lần nữa đặt ra nhiều vấn đề cần phải chấn chỉnh.

Khảo sát một số chung cư ở TP.HCM, một thực trạng chung là những nơi này thường sử dụng tầng trệt làm nơi giữ xe máy gần ngay khu vực bố trí cầu thang bộ, điều này sẽ gây khó khăn thoát hiểm khi có sự cố xảy ra. Nghiêm trọng hơn, tại chung cư TML ở quận 2, ngay sau xảy ra sự cố cháy chết người ở quận 8, các cư dân tại đây được phát cho một tờ cam kết đảm bảo an toàn PCCC nhưng ngay dưới tầng trệt của chung cư, một tiệm tạp hóa được ban quản lý cho thuê có chứa đến mấy bao bình gas mini ngay cạnh bãi giữ xe.

Ở chung cư Phan Văn Trị quận 5, hệ thống báo cháy, báo khói đã lâu không hoạt động. Nhiều bình chữa cháy được đặt sâu trong góc của các tầng lầu. Thêm vào đó, một số nơi các bình chữa cháy không được bảo dưỡng thường xuyên; đèn chiếu sáng gặp sự cố hư hỏng, lối thoát hiểm bị lấn chiếm… Anh Trần Trung, một cư dân ở chung cư cho biết hệ thống báo cháy tự động rất hạn chế và khó kiểm soát; cần trang bị thêm dây cứu hộ để khi có sự cố, người dân có thể đu từ trên cao xuống.

Các tòa nhà cao tầng hiện nay thường ít chú ý đến hệ thống thông gió, hút khói, cửa thoát hiểm luôn bị khóa, nếu xảy ra hỏa hoạn sẽ khiến người dân gặp khó khăn khi thoát ra ngoài. Tuy nhiên, khi sống ở nhà cao tầng, người dân rất quan tâm đến an toàn cháy nổ và cách thoát hiểm.

Không thờ ơ với việc cháy nổ ở nhà cao tầng, sống ở chung cư Thủ Đức lâu năm, anh Nguyễn Trung Thành trang bị các kiến thức, kỹ năng, các thiết bị PCCC trong nhà đầy đủ để đề phòng bất trắc. Anh cho rằng, tiếng chuông báo cháy ở tòa nhà dù có làm phiền một chút mà được an toàn, còn hơn không hoạt động gì. Hơn nữa, Ban quản lý chung cư nơi anh ở còn trang bị thêm loa, kẻng. Hễ cháy thực sự, họ nghe báo cháy và kèm theo tiếng loa, kẻng thì mọi người tập trung chú ý thoát hiểm.

Bài học sau vụ cháy chung cư Carina

 Chung cư Carina Plaza, nơi xảy ra cháy tại khu vực tầng hầm.

Cả nước hiện có trên 2.700 công trình nhà cao tầng, tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn, riêng TPHCM có hơn 1.000 công trình từ 7 tầng trở lên.

Thượng tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ lưu ý, theo quy định của các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC, các chung cư cao tầng phải đảm bảo vấn đề về phòng cháy, phải trang bị hệ thống báo cháy để cảnh báo sớm khi có sự cố cháy nổ, trang bị các hệ thống báo cháy tự động bằng nước, bằng khí, hệ thống hút khói, điều áp nguồn than, thang bộ cần có điều áp nguồn than, chống khói vào cho người thoát nạn. Cư dân cũng nên bảo quản các thiết bị, hệ thống này.

Cảnh sát PCCC TPHCM cũng khuyến cáo, nếu xảy ra sự cố cháy, người dân nên bình tĩnh tìm cách thoát hiểm, ấn chuông báo động cho tòa nhà khi có sự cố, trên đường thoát ra khỏi đám cháy, cần thông báo “có cháy” cho các căn hộ lân cận. Đồng thời, bấm mã vùng và gọi ngay 114 để báo cho lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy đến ứng cứu kịp thời. Tuyệt đối không sử dụng thang máy, mà nên đi bằng cầu thang bộ.

Trường hợp nếu bị mắc kẹt trong nhà cao tầng, cách thoát hiểm tốt nhất là chạy lên trên cách tầng đang xảy ra sự cố 2 tầng. Sử dụng mền, khăn, chăn thấm nước bịt kín các khe hở chặn các khói độc không để xâm nhập vào, rồi nhanh chóng thoát ra ban công, dùng các thiết bị chuyên dụng, dây thang leo để thoát hiểm. Tuyệt đối không nhảy xuống dưới đất nếu đang ở tầng cao và dưới đất không có nệm. Cũng không nên chạy lên tầng cao nhất vì khói di chuyển theo hai hướng, đó là cầu thang bộ và thang máy rồi lên tầng cao nhất của tòa nhà.

Theo phân tích của các chuyên gia, trong khói có đến 26 loại độc tố, chỉ cần hít phải một vài ba độc tố, chắc chắn sẽ bị ngất xỉu.