Ngày 14/8, tại cuộc họp triển khai biện pháp phòng chống dịch trong giai đoạn hiện nay. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định "từ nay trở đi sẽ không có "khoảng yên bình", thường xuyên xuất hiện các ca bệnh, ổ dịch nhỏ lẻ tại các tỉnh, thành phố", quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị nâng mức độ cảnh báo trong cộng đồng; khuyến cáo mạnh mẽ người dân đeo khẩu trang khi đi ra khỏi nhà".
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Đà Nẵng, Quảng Nam đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu, mở rộng xét nghiệm tại cộng đồng. Dự kiến đến hết tháng 8 này có thể kiểm soát được tình hình.
Đối với công tác điều trị bệnh nhân tại Đà Nẵng, Bộ Y tế đã cử tất cả các đội tinh nhuệ nhất từ các bệnh viện lớn vào chi viện, phối hợp, hỗ trợ. Tất cả các trang thiết bị cần thiết đều được đưa vào để phục vụ điều trị.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 6h ngày 14/8, Việt Nam ghi nhận 911 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 361 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài vào Việt Nam; 21 trường hợp tử vong.
Từ ngày 23/7 đến nay, Việt Nam ghi nhận 496 trường hợp, trong đó có 52 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài vào Việt Nam, 444 trường hợp lây nhiễm trong nước tại 15 tỉnh, thành phố, gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, TP.HCM, Hà Nội, Quảng Trị, Bắc Giang, Quảng Ngãi, Lạng Sơn, Đắk Lắk, Đồng Nai, Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Hải Dương, Khánh Hòa.
Một số địa phương đã có lây nhiễm thứ phát trong phạm vi hộ gia đình (tại Quảng Nam, Bắc Giang, Lạng Sơn). Ông Nguyễn Thanh Long cảnh báo, chùm ca bệnh ở Hải Dương rất đáng ngại. Các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đang khẩn trương phân tích sâu, giải mã gen virus gây bệnh để xem xét mức độ liên quan với chủng virus gây bệnh ở Đà Nẵng. Kết quả sẽ có sau một vài ngày.
Ban Chỉ đạo cũng lưu ý nhiều nơi, cả chính quyền lẫn người dân có biểu hiện chủ quan, ứng phó đủng đỉnh, chưa thực sự theo đúng tinh thần của Chính phủ “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình, làng xã là một pháo đài chống dịch”.
Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo thống nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Chỉ thị mới theo hướng nâng mức cảnh báo; chính quyền các cấp không được chủ quan, lơ là; phải chuyển sang trạng thái ứng phó mạnh mẽ hơn; siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất, Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao tăng cường công tác quản lý, siết chặt kiểm tra và chấn chỉnh tình hình tiếp nhận người nước ngoài vào Việt Nam làm việc.
Để kiểm soát dịch bệnh, các chuyên gia nêu rõ việc quan trọng nhất hiện nay là kêu gọi và quy định rõ ràng việc người dân thực hiện biện pháp hiệu quả phòng chống dịch như hạn chế đi ra ngoài; thường xuyên giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, rửa tay... Các chuyên gia nhấn mạnh đây không chỉ là nghĩa vụ của bản thân mà còn thể hiện trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và đất nước.
Liên quan đến tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020, đại diện Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết với thành công của kỳ thi đợt 1, Bộ Giáo dục và đào tạo đã chuẩn bị sẵn sàng cho đợt thi thứ 2. Trên cơ sở nhận định tình hình dịch bệnh của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và đào tạo tiến hành tổ chức thi trong thời gian sớm.
Ban Chỉ đạo nhận định, có thể từ giờ trở đi chúng ta không thể đòi hỏi trên cả nước tuyệt đối không có dịch. Bởi nguy cơ dịch bệnh là thường trực ở tất cả các địa phương.
Dịch bệnh còn kéo dài, chúng ta chỉ có thể chiến thắng khi nào có thuốc đặc trị, hoặc có vắc-xin đặc hiệu. Hiện chúng ta cũng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vắc-xin để phục vụ chống dịch.
Ban Chỉ đạo cũng lưu ý về việc một số nước đã sản xuất được vắc-xin nhưng để có thể nhập về và tiêm chủng còn phụ thuộc vào khả năng cung ứng của nhà sản xuất, quy định của pháp luật Việt Nam nên có thể kéo dài nhiều tháng.
Bộ Y tế đã đăng ký mua vắcxin phòng COVID-19 của Nga và Anh - Chiều 13/8, Bộ Y thông tin sẽ nỗ lực hết mình để có thể có được vắcxin phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian sớm nhất.