Chờ...

Bản đồ trên Grab sai phạm về chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông

(VOH) - Bản đồ trên ứng dụng của Grab tại VN đã thông tin sai lệch về chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông.

Trên bản đồ của Grab ngoài một số ít tên thực thể như Sơn Ca, Sinh Tồn… được thể hiện bằng tiếng Việt, thì tên các thực thể khác đều được thể hiện bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Anh.

Nhiều thực thể trong số này ở  quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

ban do sai pham 1
Bản đồ Grab thể hiện bãi đá Chữ Thập của VN là cơ quan “huyện Nam Sa” - Ảnh chụp màn hình

Trong đó, bãi đá Vành Khăn thuộc chủ quyền VN không được thể hiện bằng tiếng Việt mà chỉ được thể hiện bằng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc, tên gọi lại được thể hiện theo cách gọi phi pháp của Trung Quốc đối với bãi đá này là "đảo Mỹ Tế".

Bản đồ của bãi đá này còn thể hiện rõ nội dung là "đảo Mỹ Tế - Tam Sa - Trung Quốc".

Không những vậy, bản đồ của Grab còn thể hiện bãi Chữ Thập (cũng thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) là "Nansha District" tức "huyện Nam Sa".

Bản đồ trên Grab sai phạm về chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông 2
Bãi đá Vành Khăn của VN bị thể hiện thành “đảo Mỹ Tế - Tam Sa - Trung Quốc” - Ảnh chụp màn hình

"Huyện Nam Sa" do Trung Quốc tự đưa ra và đặt cơ quan hành chính tại bãi Chữ Thập để quản lý quần đảo Trường Sa.

Gần 10 năm qua, Trung Quốc đã tăng cường quân sự hóa các bãi Vành Khăn, Xu Bi và Chữ Thập nhằm độc chiếm Biển Đông. Ở 3 bãi cạn này, Trung Quốc xây dựng các công trình đồ sộ, thiết lập cả đường băng và đồn trú nhiều loại vũ khí như chiến đấu cơ, tên lửa…

Trong khi đó, các phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định Việt Nam có chủ quyền không thể chối cãi đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

TP.Tam Sa là chính quyền phi pháp do Trung Quốc lập ra để quản lý nhiều quần đảo, bao gồm cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN. Tương tự, bãi Xu Bi đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép cũng được thể hiện bằng tiếng Hoa.

Nam Sa cũng là tên gọi phi pháp mà Trung Quốc dùng để gọi quần đảo Trường Sa của VN.

Việc thiết lập 2 huyện Tây Sa (dùng để áp đặt quản lý phi pháp đối với quần đảo Hoàng Sa của VN) và huyện Nam Sa (cả 2 huyện đều đặt dưới TP.Tam Sa) được Trung Quốc tiến hành vào năm 2020 trong bối cảnh các nước lo tập trung chống đại dịch Covid-19