BẢN TIN TỔNG HỢP 7/2: Hoàn thành tiêm vaccine Abdala trong tháng 2/2022

(VOH) - Bộ Y tế yêu cầu tổ chức triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 thần tốc hơn nữa để hoàn thành việc tiêm đủ 3 mũi vaccine Abdala trong tháng 2/2022.

Bộ Y tế vừa có công văn gửi 12 tỉnh, thành phố gồm: Thanh Hóa, Hải Dương, Thái Nguyên, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, Tiền Giang, Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang về việc tăng cường triển khai tiêm vaccine Abdala.

Trong tháng 10-11/2021, Bộ Y tế phân bổ 5 triệu liều vaccine phòng COVID-19 Abdala cho các địa phương, để đáp ứng việc triển khai tiêm đủ 3 mũi vaccine Abdala cho nhóm người từ 19-65 tuổi. Tuy nhiên, theo báo cáo đến ngày 28/1/2022, số vaccine Abdala hiện còn tại các địa phương là 541.400 liều.

Để sử dụng hiệu quả vaccine Abdala hiện còn ở một số địa phương, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, không để sót đối tượng tiêm chủng, tăng cường các hoạt động truyền thông, vận động người dân đi tiêm mũi 2, mũi 3 vaccine Abdala.

vaccine Abdala
Vaccine Abdala

Bên cạnh đó, tổ chức triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 thần tốc hơn nữa để hoàn thành việc tiêm đủ 3 mũi vaccine Abdala trong tháng 2/2022, kiên quyết không để vaccine phải hủy bỏ do hết hạn sử dụng.

TPHCM - Vùng xanh tuần thứ 5 liên tiếp

Theo thông báo của UBND TP.HCM về cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn, TP.HCM tuần thứ 5 liên tiếp là “vùng xanh” (cấp độ 1).

22/22 địa phương đạt cấp 1; không có địa phương thay đổi cấp độ dịch so với tuần trước. Đánh giá cấp độ dịch Covid-19 ở cấp phường, xã, thị trấn, có 311/312 địa phương đạt cấp 1; 1 địa phương đạt cấp độ 2 - “vùng vàng” (xã Hiệp Phước, H. Nhà Bè).

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, TP.HCM đã tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 xuyên tết tại 22 quận, huyện và TP. Thủ Đức, với tổng số người được tiêm là 8.641. Trong 6 ngày tết, TP.HCM có 868 ca mắc; giám sát y tế cho 4.968 người nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Thời điểm hiện tại, mỗi ngày TP.HCM có dưới 100 ca mắc mới và dưới 10 ca tử vong. Đã có 120 ca nhiễm biến chủng Omicron được ghi nhận trên địa bàn TP, trong đó có 115 ca nhập cảnh và 5 ca cộng đồng.

TPHCM: Hơn 600.000 học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết

Sáng nay 7/2, hơn 600.000 học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 ở TP.HCM đã phấn khởi trở lại trường học trực tiếp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, Sở đã giao quyền chủ động cho hiệu trưởng các trường THCS, THPT tự quyết định phương án dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến, phương án tổ chức bán trú, nội trú... với điều kiện đạt đủ các quy định về phòng chống dịch COVID-19.

Trong khi đó, học sinh từ mầm non đến lớp 6 sẽ trở lại trường từ 14-2.

Sân bay Tân Sơn Nhất sắp xếp lại làn xe đón khách tại ga quốc nội

Sau vài ngày thiếu hụt phương tiện taxi ở sân bay, ghi nhận sáng 7-2 ở sân bay Tân Sơn Nhất cho thấy tình hình đã cải thiện khi sân bay bố trí lại làn đón xe thuận tiện, khách hàng chủ động xe cá nhân đưa đón nhiều hơn.

Trong sáng nay, Ga quốc nội cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, khách đến vẫn duy trì ở mức cao với hơn 68.800 khách, giảm hơn 1.500 khách so với ngày hôm qua. Dù vậy, với sản lượng khách như trên vẫn rất đông trong ngày đầu tiên cả nước quay lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết.

Sân bay Tân Sơn Nhất đã thống nhất với Sở Giao thông vận tải TP.HCM sắp xếp lại làn xe tại ga quốc nội, tránh tình trạng chờ lâu, ùn tắc.

Các hãng hàng không đang có kế hoạch tăng 100 chuyến từ nay đến ngày 12-2, chủ yếu chặng Hà Nội - TP.HCM vào khung giờ ban đêm, để đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân đi vào phía Nam sau kỳ nghỉ Tết.

TPHCM: Nhiều người dân đi làm thủ tục ngày làm việc đầu năm

Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều cơ quan hành chính khá đông người dân đi làm các loại thủ tục hành chính liên quan. Các cơ quan đều đi làm lại với 100% số lượng cán bộ, viên chức để phục vụ người dân.

Tại Sở Tư pháp TPHCM, từ sáng sớm có rất nhiều người dân tập trung tại khu vực tiếp nhận hồ sơ. Một cán bộ cho hay do nhu cầu làm thủ tục nhất là cấp phiếu lý lịch tư pháp luôn cao nên sau đợt nghỉ Tết dài, người dân tranh thủ đến sở ngay ngày làm việc đầu tiên.

Tại một số cơ quan, đơn vị, ghi nhận "nhịp làm việc" ngày đầu năm đã trở lại bình thường. Điển hình ở xã ngoại thành như UBND Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, không khí phục vụ người dân tại trụ sở cũng nhộn nhịp trở lại. Nhiều người dân đến trụ sở thực hiện các thủ tục hành chính liên quan hộ tịch, tư pháp như chứng thực giấy tờ, khai sinh, trích lục…

TIN CÁC TỈNH THÀNH KHÁC

Sân bay Nội Bài đón lượng khách cao nhất sau 2 năm

Ngày 7/2, sân bay Nội Bài dự kiến đón 52.000 lượt khách, khung giờ đông khách nhất từ 7h tới 8h. Đại diện sân bay chia sẻ đợt cao điểm đi lại sau Tết sẽ kéo dài đến 14/2.

Cũng theo vị này, lượng hành khách vào ngày cao điểm năm nay tăng mạnh so với Tết năm trước do có sự tháo gỡ rào cản y tế, các địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân về quê đón Tết.

BẢN TIN TỔNG HỢP 07/02: Hoàn thành tiêm vaccine Abdala trong tháng 2/2022 2
Ảnh minh họa: Báo giao thông

Mặc dù lượng khách qua cảng Nội Bài vào dịp cao điểm Tết 2022 tăng cao, vẫn nằm trong khả năng đáp ứng của sân bay. Hành khách làm thủ tục thuận lợi, không xảy ra tình trạng ùn ứ. Hiện 102 quầy làm thủ tục tại nhà ga T1 và 22 điểm soi chiếu an ninh của Nội Bài có khả năng thông qua 4.000 khách mỗi giờ.

Nghệ An: Đảm bảo an toàn cho học sinh trở lại trường học

Hôm nay (7/2), Nghệ An là một trong số các địa phương có học sinh các bậc học mầm non và phổ thông đi học trực tiếp.

Sở GD-ĐT cho biết ngày mai, 21/21 huyện, thành, thị đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn để đón học sinh bậc mầm non và phổ thông đến trường. Ngoại trừ, học sinh mầm non TP.Vinh sẽ đi học sau đó 1 tuần.

Trên 95% giáo viên tiêm 3 mũi và hơn 90% học sinh từ 12 tuổi trở lên của Nghệ An tiêm 2 mũi vaccine. Hiện nay, Bộ Y tế đang chuẩn bị tiêm cho trẻ 5-11 tuổi. Vì vậy, cùng với các giải pháp phòng chống dịch trong trường học được tăng cường, Nghệ An dự kiến mở cửa trở lại ở tất cả các trường học ngay những tuần đầu tiên sau Tết Nguyên đán.

Thanh Hóa: Phát hiện 166 F0 là giáo viên, học sinh trước ngày đến trường

Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa, cho biết trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, có 166 trường hợp là giáo viên, học sinh tại các trường học trên địa bàn thành phố có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Các trường hợp này đang được cách ly điều trị tại nhà và các cơ sở y tế.

Trước khi đón học sinh đi học trở lại, nhiều trường đã tổ chức test nhanh tầm soát COVID-19 cho cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh; tuyên truyền, vận động để phụ huynh chủ động xét nghiệm cho con em mình trước khi học sinh trở lại trường học tập. Đồng thời, tổ chức tổng vệ sinh khử khuẩn trường lớp học, bổ sung các dung dịch rửa tay sát khuẩn, máy đo thân nhiệt, đồng thời xây dựng kế hoạch học tập thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Cà Mau đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3

Với mục tiêu giảm F0 chuyển nặng và tử vong, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Y tế phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên theo kế hoạch. Tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Y tế cho phép mở rộng tiêm vaccine mũi 3 đối với trẻ từ 12 -17 tuổi để tăng độ bao phủ vaccine, hạn chế bệnh chuyển nặng và tử vong ở nhóm tuổi này. Qua đó, giúp phụ huynh yên tâm cho con em đi học trở lại ngay sau khi nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát tốt và từng bước ổn định ‘‘thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19’’. Đáng mừng là số ca bệnh ghi nhận hàng ngày ở Cà Mau liên tục giảm, chỉ còn dưới mức 100 ca/ngày; cấp độ dịch của toàn tỉnh đang ở cấp 1 (vùng xanh). Do vậy, trong điều kiện "bình thường mới", người dân Cà Mau vừa hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng cũng vừa phòng, chống dịch COVID-19 theo thông điệp 5K của ngành Y tế.

TIN THẾ GIỚI

Trung Quốc phong tỏa thành phố Bách Sắc do số ca mắc COVID-19 gia tăng

Thành phố Bách Sắc ghi nhận 37 ca lây nhiễm trong cộng đồng trong ngày 6/2, tăng từ mức 6 ca ghi nhận một ngày trước đó. Giới chức thành phố Bách Sắc đã yêu cầu người dân ở nhà từ hôm nay và tránh đi lại không cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Thành phố này cũng tạm ngừng các hoạt động kinh doanh không thiết yếu, giao thông công cộng, đóng cửa trường học và tạm hoãn mở cửa trở lại các cửa khẩu dọc biên giới. Các nhân viên trong những ngành thiết yếu ở Bách Sắc cần phải có giấy thông hành mới được di chuyển trong nội thành.

Indonesia siết chặt quy định đối với xuất nhập cảnh du lịch

Bộ Giao thông Vận tải Indonesia vừa ban hành quy định mới đối với công dân nước này và người nước ngoài xuất nhập cảnh bằng đường không với mục đích du lịch, trong nỗ lực kiểm soát và ngăn chặn đại dịch COVID-19.

Theo đó, người nước ngoài nhập cảnh du lịch phải trình thị thực du lịch ngắn hạn hoặc giấy phép nhập cảnh khác theo quy định hiện hành và có bảo hiểm y tế với giá trị thanh toán tối thiểu 25.000 USD, cũng như cung cấp bằng chứng đặt phòng và thanh toán tiền phòng khi lưu trú tại Indonesia.

Australia mở cửa biên giới cho du khách nước ngoài từ 21/2

Từ 21/2 tới, Australia sẽ mở cửa biên giới cho du khách nước ngoài sau 2 năm đóng cửa thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19. Điều kiện nhập cảnh vào Australia là phải tiêm đủ hai mũi vaccine.

BẢN TIN TỔNG HỢP 07/02: Hoàn thành tiêm vaccine Abdala trong tháng 2/2022 3

Một điểm xét nghiệm tại thành phố Sydney của Australia hôm 30/12/2021. Ảnh: Reuters.

Những du khách nước ngoài chưa tiêm đủ hai mũi vaccine sẽ phải tuân thủ quy định cách ly của từng bang và vùng lãnh thổ. Tính đến sáng nay, Australia ghi nhận trên 2,7 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có trên 4.200 ca tử vong.

Nhiều nước tăng cường mở cửa

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn tiến, nhiều nước lên kế hoạch mở cửa biên giới, với dự kiến du lịch và lữ hành sẽ quay lại gần như thời điểm trước khi đại dịch xảy ra.

Vài ngày trước, Đan Mạch là quốc gia châu Âu đầu tiên dỡ bỏ mọi giới hạn phòng dịch trong nước. Chính quyền nước này không còn xem Covid-19 là “căn bệnh đe dọa xã hội”, và chấm dứt việc yêu cầu đeo khẩu trang trong nhà, ngừng sử dụng thẻ xanh Covid-19 tại nhà hàng, quán bar và các địa điểm khác. Đồng thời, người có kết quả dương tính không còn cần phải tự cách ly.

Hôm qua, Bồ Đào Nha cho biết du khách đến từ Liên minh Châu Âu và có hộ chiếu vắc xin sẽ không phải xét nghiệm trước khi nhập cảnh. Hiện đã có Puerto Rico và đảo quốc Aruba dỡ bỏ yêu cầu về hộ chiếu vắc xin đối với người Mỹ.

Ấn Độ cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Sputnik Light

Bộ trưởng Y tế Ấn Độ ngày 6/2 thông báo nhà chức trách nước này đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine COVID-19 đơn liều Sputnik Light.

Cơ quan kiểm soát tiêu chuẩn dược phẩm trung ương Ấn Độ cho biết giấy phép được cấp dựa trên cơ sở dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 của Sputnik Light ở Nga, cùng với dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ở Nga và một số quốc gia khác. Vaccine này có thể được sử dụng làm liều tăng cường chống COVID-19 cho các nhóm dân số đủ điều kiện.

Sputnik Light đã được đăng ký tại hơn 30 quốc gia với tổng dân số trên 2,5 tỷ dân. Một số quốc gia như Argentina, Bahrain, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, San Marino và Philippines đã cho phép sử dụng Sputnik Light làm liều tăng cường.

KHUYẾN CÁO MÙA COVID

Phụ huynh cần biết gì về tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi?

Giới khoa học khẳng định tiêm chủng có thể giúp trường học trở lại hoạt động bình thường, đồng thời cảnh báo trẻ em có nguy cơ mắc bệnh nặng, thậm chí tử vong, nếu không may bị mắc COVID-19 mà chưa được tiêm phòng.

Số trẻ em nhiễm COVID-19 ngày một tăng khi biến thể Omicron lây lan mạnh trên toàn cầu. Thực tế này cho thấy vaccine chưa bao phủ rộng đối với trẻ em. Đây là động lực để chính quyền nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đẩy mạnh nỗ lực tiêm chủng đối với trẻ nhỏ, nhất là trẻ từ 5-11 tuổi, sau khi chiến dịch tiêm chủng đã được mở rộng đối với trẻ vị thành niên từ 12-17 tuổi. Như tại Hong Kong (Trung Quốc), có khoảng 400.000 trẻ từ 5-11 tuổi sắp được tiêm chủng bằng vaccine Sinovac và Pfizer/BioNTech.

Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi về ảnh hưởng của vaccine đối với sự phát triển của trẻ nhỏ. Dưới đây là những vấn đề được các bậc cha mẹ quan tâm nhất liên quan đến việc tiêm phòng vaccine cho trẻ nhỏ.

Lợi ích từ việc tiêm vaccine cho trẻ

Số ca trẻ em nhiễm và nhập viện do COVID-19 đang tăng lên ở nhiều nước. Trong tuần trước, Mỹ ghi nhận khoảng 1,1 triệu trẻ em dương tính với SARS-CoV-2, cao gấp đôi so với hai tuần trước đó, đưa tổng số ca nhiễm COVID-19 ở trẻ em tại nước này lên 10,6 triệu ca.

Theo các chuyên gia tại Đại học London (Anh), tỉ lệ tiêm chủng vaccine ở trẻ em tại đa số các nước đều thấp hơn so với tỉ lệ ở người trưởng thành. Sau hai năm đối mặt với đại dịch, trẻ em bị gián đoạn việc học hành và phát triển thể chất, tinh thần. Một lý do hoàn hảo để mở rộng tiêm chủng cho trẻ chính là tiêm chủng là biện pháp giúp các em không bị cách ly và không được tới trường.

Tiêm vaccine là biện pháp bảo vệ trẻ em trước virus SARS-CoV-2. Đa số trẻ nếu nhiễm bệnh đều ở thể nhẹ, nhưng còn đó nguy cơ lây nhiễm sang các thành viên trong gia đình, đối tượng tiếp xúc gần. Như các phương thức điều trị, phòng ngừa dịch bệnh khác, không có vaccine nào đạt hiệu quả tuyệt đối. Một số trẻ vẫn có thể nhiễm COVID-19 sau tiêm, nhưng tình trạng bệnh sẽ nhẹ hơn nhiều.

Theo ông Wilson Lam, chuyên gia dịch tễ học tại Hong Kong, hiệu lực bảo vệ của vaccine ở trẻ nhỏ ngang bằng, thậm chí vượt trội so với người trưởng thành. Đó là bởi trẻ em có hệ miễn dịch mạnh hơn và vì thế phản ứng với vaccine cũng tốt hơn. Đây là điều đã được chứng minh qua dữ liệu cụ thể.

Liều tiêm và loại vaccine

Hiện có hàng chục nước đã phê duyệt cấp phép và triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Cuba… cùng nhiều nước ở châu Âu. Loại vaccine được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là vaccine Pfizer/BioNtech. Trẻ sẽ được tiêm hai liều, với liều thứ hai cách liều thứ nhất khoảng 8 tuần. Ngoài ra, trẻ từ 5-11 tuổi nếu hệ miễn dịch suy yếu cũng có thể tiêm mũi tăng cường 8 tuần sau khi hoàn tất mũi hai.

Khác với các loại thuốc điều trị, liều lượng vaccine COVID-19 không tính trên cân nặng, mà tính theo đội tuổi. Trẻ từ 5-11 sẽ được tiêm vaccine Pfizer liều 10 microgram, bằng 1/3 so với liều của người lớn và trẻ vị thành niên (30 microgram với người từ 12 tuổi trở lên).

Thử nghiệm lâm sàng cho thấy liều 10 microgram ở trẻ tạo phản ứng miễn dịch tương đương liều 30 microgram. Kết quả thử nghiệm cho thấy hiệu lực bảo vệ của vaccine Pfizer sau hai liều 10 microgram ở trẻ từ 5-11 tuổi là 91%.

Phản ứng phụ thể nhẹ là tín hiệu bình thường, cho thấy hệ miễn dịch cơ thể đang tạo ra lớp bảo vệ. Phản ứng này ở trẻ em cũng tương tự như ở người lớn. Một số trẻ không có phản ứng phụ, số khác có thể xuất hiện cảm giác đau ở chỗ tiêm, người hơi mệt, đau đầu, nhưng về cơ bản sẽ hết sau từ một đến ba ngày.

 

Bình luận