Báo cáo Thủ tướng về sự cố hư hỏng tàu vỏ thép trong tháng 6

(VOH) - Thông tin thêm về chủ trương đóng mới tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, việc lựa chọn các đơn vị đóng tàu cho ngư dân theo chủ trương này dựa trên những tiêu chí nhất định do Bộ đưa ra, bao gồm diện tích mặt bằng, trang thiết bị, công nghệ, năng lực thực hiện.

Qua đó, có 235 cơ sở đủ các điều kiện theo yêu cầu trên. Với số lượng gần 2.300 tàu được đóng, Bộ đã phân bổ xuống các địa phương. Đến thời điểm tháng 5, các đơn vị đã đóng được 666 tàu với 3 chất loại vật liệu: tàu vỏ sắt, tàu vỏ gỗ và vật liệu composite, công suất vận hành đều 800 mã lực trở lên; trong đó 297 chiếc là tàu vỏ thép.

Tàu vỏ thép của một ngư dân ở Bình Định mới đưa vào sử dụng tháng 8/2016 đã xuống cấp trầm trọng. Nguồn: VNN

Đánh giá chung hiệu quả của chủ trương này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay: "Nhìn chung, tất cả các chuyến ra khơi của ngư dân được bà con nhận xét rằng: tất cả đều phát huy tác dụng, kể cả về mặt hiệu quả, mặt an toàn. Ví dụ như tổ hợp Hoàng Nam của Nam Định thu về 3,5 tỷ, lãi 1 tỷ/năm. Bình Thuận, các thuyền viên báo về lãi từ 8 đến 9 triệu/tháng; Bà Rịa Vũng Tàu, đặc biệt là chỗ anh Vũ Anh Sơn 15 chuyến đi biển thì lãi 300 triệu/chuyến, cao nhất có chuyến lãi 800 triệu đồng. Đến ngay như tại Bình Định, trong số 49 tàu, có 24 tàu đi biển cũng thu lãi lớn, cao hơn so với các phương tiện".

Tuy nhiên, trước thực tế có 17 tàu vỏ thép ở Bình Định và 2 tàu ở Phú Yên bị hư hỏng nặng, không thể hoạt động được do bị đánh tráo cấu kiện máy móc, thay đổi chất liệu thép từ Nhật Bản/Hàn Quốc thành thép Trung Quốc, gây bức xúc dư luận, Bộ NN&PTNT cho biết, đã ra 2 văn bản yêu cầu 27 tỉnh, thành phố rà soát lại toàn bộ, đồng thời cử Tổng cục Thủy sản làm việc trực tiếp với 2 địa phương, buộc đơn vị đóng tàu đối chất với ngư dân bị ảnh hưởng để quy trách nhiệm liên quan.

Tại buổi làm việc này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường xác định: "19 tàu bị hỏng thuộc hai công ty đóng. Một là công ty Đại Nguyên Dương 4 chiếc và công ty Nam Triệu 15 chiếc, thuộc hai nhóm: một là hỏng về máy; hai là hỏng về phần sắt ở trên boong và các bộ phận trên tàu.

Như vậy, sau khi có tình hình cụ thể, Bộ đã cùng với tỉnh thống nhất quy định: trước hết là đình chỉ chấp nhận hợp đồng đóng mới của hai công ty để xảy ra tình trạng này; Yêu cầu không được đóng mới để tập trung khắc phục ngay hậu quả.

Với lỗi hỏng hóc về máy, Bộ yêu cầu thay đổi mới, không sửa chữa. Đối với các tàu bị hỏng về sắt thì thay sắt đúng chủng loại để kịp thời phục vụ cho ngư dân đi biển.

Hiện nay, Bình Định còn có một tàu bị cuốn chân vịt, với các tàu còn nằm ở bờ khi chưa sửa chữa được, công ty phải có trách nhiệm để người dân không có thu nhập trong những ngày đó thì phải có trách nhiệm đền bù".

Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo tỉnh Bình Định thành lập một đơn vị thẩm định độc lập với sự tham gia của các chuyên gia, cơ quan tư pháp để xác định nguyên nhân gây hư hỏng của tàu, trên cơ sở đó sẽ quy trách nhiệm của từng bên, báo cáo kết quả trong tháng 6 này để Thủ tướng Chính phủ có hướng xử lý tiếp theo.