Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bạo động tại Colombia: Chính phủ ra lệnh phản công quyết liệt, ít nhất 100 người chết

COLOMBIA - Từ ngày 16/1, tình hình bạo động gia tăng mạnh mẽ tại Colombia khi các cuộc tấn công đẫm máu của các nhóm vũ trang du kích cánh tả xảy ra liên tiếp ở ba tỉnh, từ rừng Amazon đến biên giới Venezuela.

Tính đến ngày 20/1, ít nhất 100 người đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột này.

Nhóm Quân đội Giải phóng Quốc gia (ELN) phát động các cuộc tấn công quy mô lớn ở khu vực Catatumbo, nhằm vào các nhóm vũ trang đối lập, gồm các cựu thành viên của Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC). Các nhóm vũ trang này, trong đó có ELN, lâu nay kiểm soát nhiều khu vực ở Colombia và gây ra những vụ bạo lực kéo dài.

Đáp lại sự leo thang bạo lực, Tổng thống Colombia Gustavo Petro đã đưa ra một tuyên bố cứng rắn vào ngày 20/1, cảnh báo lãnh đạo ELN rằng nếu nhóm này tiếp tục lựa chọn con đường chiến tranh, chính phủ Colombia sẽ phản ứng mạnh mẽ.

"Nếu họ lựa chọn con đường chiến tranh, họ sẽ phải chiến tranh," ông Petro nói, đồng thời nhấn mạnh rằng chính quyền Colombia sẽ không lùi bước trước các nhóm du kích cánh tả.

afp2025012136ux2tjv1highrescolombiaconflictrebelsemergency-1737448620766833892405
Quân đội tuần tra trên đường sau các cuộc đụng độ với các nhóm du kích cánh tả Colombia ngày 20/1 - Ảnh: AFP

Mặc dù trước đó, ông Petro duy trì một chiến lược đàm phán hòa bình với các nhóm du kích, nhưng sự gia tăng của các cuộc tấn công và bạo động khiến chính quyền phải thay đổi cách tiếp cận.

Các chỉ trích cho rằng chiến lược hòa bình không thể kiềm chế được các nhóm vũ trang cánh tả, những lực lượng đang kiểm soát một số vùng đất quan trọng và có liên quan đến ngành sản xuất cocaine - ngành công nghiệp bất hợp pháp lớn nhất ở Colombia.

Trong bối cảnh bạo lực leo thang, chính quyền Colombia đã điều động hơn 5.000 binh sĩ đến các khu vực xung đột, nhằm tăng cường an ninh và ngăn chặn bạo lực.

Các lực lượng ELN được cho là đã tấn công vào các ngôi nhà, giết hại những người mà họ nghi ngờ có liên quan đến FARC, khiến người dân hoảng loạn và phải sơ tán đến các khu vực an toàn, bao gồm thị trấn Tibú và thậm chí vượt biên sang Venezuela.

Giới chức Colombia đang chuẩn bị cung cấp 10 tấn thực phẩm và vật dụng cần thiết để hỗ trợ khoảng 5.000 người dân bị ảnh hưởng tại các khu vực Ocaña và Tibú. Một số người dân chia sẻ nỗi đau khi phải rời bỏ đất nước: "Là một người Colombia, tôi cảm thấy đau đớn khi phải rời bỏ đất nước mình," ông Geovanny Valero, một nông dân 45 tuổi, cho biết khi ông chạy trốn sang Venezuela.

Không chỉ khu vực Catatumbo, theo thông tin từ các quan chức, ít nhất 20 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh giữa các nhóm du kích ở khu vực rừng rậm Guaviare. Tình hình hiện nay đang trở thành thử thách lớn đối với chính quyền Colombia trong việc giữ vững an ninh và ổn định quốc gia.

Bình luận