Bảo vệ trẻ an toàn: Việc phải làm của gia đình và xã hội (bài 2)

(VOH) - Trẻ em là tương lai của gia đình, quốc gia, dân tộc. Xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ phát triển là yêu cầu cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, trẻ hàng ngày vẫn đối mặt với nhiều nguy cơ thiếu an toàn. Trong đó, nguyên nhân gián tiếp là do sự chủ quan của gia đình, cũng như một số quy định pháp lý chưa chặt chẽ. 

Một nạn nhân bị xâm hại tình dục khi chưa tròn 13 tuổi (Ảnh: BQNO)

Từ phía gia đinh, cha mẹ phải làm gì?

Bảo vệ trẻ không phải là ngăn không cho trẻ tiếp xúc với thế giới bên ngoài, là khư khư giữ trẻ trong vòng tay che chở của ba mẹ. Đến nỗi, khi gặp chuyện, không có người thân bên cạnh, trẻ không thể giao tiếp, nói lên nguyện vọng của mình, không biết nhờ sự trợ giúp từ những người xung quanh. 

Vì vậy, theo Tiến sĩ Lê Thị Linh Trang, Trưởng khoa Đại cương, Học viện cán bộ TPHCM bảo vệ trẻ, chính là tạo môi trường an toàn, giảm thiểu những tác động xấu, ngăn chặn những nguy cơ có thể xảy ra với trẻ.

"Không thể nói ở nhà nhốt con, đóng cửa là an toàn. Tôi thường khuyên phụ huynh nên cho con ra ngoài, tiếp xúc với  nhiều người hơn để biết cách giao tiếp, ứng xử; biết nhận dạng người tốt, người xấu; biết khi rơi tình huống nào thì cần làm gì. Gia đình trong sinh hoạt phải cẩn thận chú ý, đưa bạn bè về nhà nhậu nhẹt cũng phải chú ý, gửi con cho hàng xóm cũng phải để ý liệu thông tin mình có đầy đủ hay không. Chính sự chủ quan của người lớn sẽ đem lại điều nguy hiểm cho trẻ", Tiến sĩ Trang chia sẻ.

Ngoài ra, người lớn phải giáo dục cho trẻ những kỹ năng cần thiết để phòng chống xâm hại, thay đổi quan niệm về việc giáo dục giới tính cho trẻ. Vấn đề này không mới nhưng thực tế tâm lý cho rằng con còn nhỏ, giới tính vẫn còn là chuyện tế nhị, khó nói đã khiến nhiều bậc cha mẹ lần lựa, chậm trễ trong việc xây dựng hình thành kỹ năng cho con.

Trong khi đó, việc đụng chạm, cưng nựng, hôn, thậm chí trêu ghẹo những bộ phận riêng tư của trẻ nhỏ, lại xem là việc bình thường, thể hiện tình yêu thương. Điều này thật đáng lo ngại khi mà theo báo cáo từ Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam có 93% trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục từ người quen, 47% trong đó đối tượng có hành vi xấu là người trong gia đình hoặc có quan hệ họ hàng với người bị hại.

Vì vậy, thói quen của người lớn thực sự là những nguy cơ cho trẻ, là điều kiện thuận lợi cho đối tượng xấu dễ dàng tiếp cận trẻ, thực hiện mưu đồ xấu của mình. 

"Việc thường xuyên trêu ghẹo như vậy khiến đứa trẻ nghĩ đây là hành vi bình thường. Đến khi trẻ bị xâm hại thực sự, mặc dù khó chịu, đau đớn, buồn tủi, trẻ vẫn nghĩ rằng chuyện này không đáng nói vì trước giờ người lớn vẫn làm như thế. Và trẻ không đủ dũng cảm để bày tỏ cảm xúc khó chịu, tức giận của mình đối với người lớn. Một hệ quả lớn hơn về thói quen xấu này là: có nguy cơ rất cao đứa trẻ này cũng lặp lại hành vi như vậy đối với những trẻ nhỏ hơn, bởi vì trẻ cũng cho rằng đây là một hành vi bình thường", Thạc sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền, giảng viên khoa Khoa học giáo dục, ĐH Sư Phạm TPHCM, phân tích.

Pháp luật phải đủ sức răn đe

Ngoài ra, để bảo vệ trẻ, chúng ta cần có một hệ thống pháp luật nghiêm minh và chặt chẽ để xử lý đúng người đúng tội, đồng thời mang tính răn đe cho những kẻ có mưu đồ xấu. Tránh để tình trạng kẻ thủ ác nhởn nhơ, thậm chí có những hành động thách thức gây bất bình cho xã hội, gây tâm lý tiêu cực cho người bị hại như trong một số vụ việc gần đây.

Theo phản ánh của một số chuyên gia, hiện nay, pháp luật chưa quy định cụ thể về thủ tục điều tra, truy tố, xét xử các vụ án bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là trẻ bị xâm hại tình dục khi tham gia vào quá trình tố tụng. Vì vậy, việc bảo vệ quyền lợi của trẻ đôi lúc không được đảm bảo, dẫn đến một số khó khăn trong thu thập chứng cứ. 

Thượng tá Phạm Văn Phòng, Phó trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát Hình sự C45, Bộ Công an cho rằng hiện nay, chứng cứ vật chất vẫn là căn cứ chủ yếu để cơ quan chức năng điều tra vào cuộc.

 "Chúng ta chỉ chú ý về xâm hại vật chất chứ chưa quan tâm nhiều đến vấn đề xâm hại tinh thần. Vì vậy, hệ thống luật pháp còn nặng về chứng cứ vật chất. Để bàn vấn đề phải rất rõ ràng, ví dụ phải có chứng cứ vật chất như lông tóc, tinh dịch, vải sợi hay các dấu vết khác...Các vụ xâm hại trẻ em bắt quả tang, hoặc bắt khẩn cấp thì dễ, nhưng để thời gian quá dài thì chứng cứ vật chất không còn nữa", Thượng tá Phòng nói.

Trong khi đó, với quá trình tiếp xúc nhiều vụ xâm hại trẻ em, Luật sư Đào Thị Bích Liên, Chi hội phó Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM nhận thấy, việc thu thập, lưu giữ chứng cứ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, luật sư kiến nghị cần có quy định chế tài riêng cho loại tội phạm này.

"Những chứng cứ trong quá trình điều tra thuộc về cơ quan tố tụng, nhưng trong các vụ xâm hại tình dục họ phải tự đi tìm chứng cứ. Đôi khi người trong cuộc, người mẹ của đứa trẻ không biết bắt đầu thu thập từ đâu. Khi cơ quan công an tiếp nhận ban đầu chỉ hỏi chứng cứ đâu. Vì vậy, tôi kiến nghị, cần có chế tài thật mạnh đối với loại tội phạm này. Chúng ta cần đưa vào một chương điều tra đặc biệt, không cần khi có người mẹ làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an, mà chỉ cần có dấu hiệu tội phạm là khởi tố vụ án ngay, chứ không để chậm trễ. Nếu để chậm trễ thì vấn đề thu thập chứng cứ bị trôi đi, xem như tạo điều kiện cho thủ phạm cao chạy xa bay", Luật sư Bích Liên kiến nghị.

Ngoài ra, luật pháp cũng cần quy định rõ những hành vi như thế nào là thuộc tội dâm ô với trẻ em. Vì thực tế hiện nay trong Bộ luật Hình sự chỉ có những từ ngữ rất cơ bản, chung chung về tội danh này. Trong khi đó, những sự việc như thế thường ít để lại dấu vết, người bị hại càng nhỏ tuổi, việc thu thập chứng cứ càng khó khăn hơn. Vì vậy, nhiều trường hợp phát hiện tố cáo nhưng do không đủ cơ sở pháp lý, vẫn không thể khởi tố xử lý nghi phạm. 

Luật sư Lê Ngọc Luân, đang nhận bảo vệ quyền lợi cho trẻ trong một vụ xâm hại tình dục, phản ánh trong những vụ dâm ô trẻ em có những vấn đề như: Luật không quy định rõ ràng. Tội dâm ô chỉ quy định người nào có hành vi dâm ô với trẻ em thì bị phạt tù theo khung. Dâm ô là như thế nào, không có quy định. Đó là câu hỏi mà luật pháp đang còn thiếu. Từ đó, dẫn đến việc cơ quan điều tra đôi lúc không dám sát sao nếu chứng cứ không đầy đủ. Nếu kết tội có thể gây oan sai.

Với những kẻ hở cả trong giáo dục gia đình và những quy định luật pháp, nguy cơ, khả năng bị xâm hại vẫn là mối lo thường xuyên cho trẻ. Đã đến lúc người lớn, xã hội cần nhìn lại chính mình, ý thức rõ việc làm có lợi hay bất lợi cho trẻ. Giáo dục giới tính cho trẻ ngay từ gia đình, và cả ở những cấp học nhỏ một cách tự nhiên, gần gũi và thiết thực. Đồng thời, nhanh chóng điều chỉnh, quy định cụ thể những quy trình pháp luật hướng đến bảo vệ tốt nhất quyền lợi trẻ em. Mỗi người đã, đang và sẽ là một người cha người mẹ, xin hãy đặt mình vào vị trí những phụ huynh đang bỏ công sức, nước mắt, ý chí tinh thần và cả nỗi đau khôn nguôi để tìm lại công lý cho những đứa con yêu thương của mình.