Bảo vệ trẻ sau cánh cổng nhà trường, được hay không?

(VOH) - Năm học mới bắt đầu cũng là lúc những câu chuyện liên quan đến giáo dục được dư luận đặc biệt quan tâm.

Bên cạnh sự chuẩn bị chu đáo của cả hệ thống giáo dục trong ngày chào đón trẻ trở lại trường sau một kỳ nghỉ dài, thì một số sự việc xảy ra khiến chúng ta không khỏi đau lòng như: cổng trường, tường rào đổ khiến học sinh thiệt mạng, quạt trần rơi làm bị thương học sinh, học sinh bị bỏ quên trên xe đưa đón, học sinh không học thêm tiếng Anh, đến giờ học cô lại bắt úp mặt vào tường; những vụ hiếp dâm chấn động giữa bảo vệ với học sinh; học sinh với học sinh ….

Vậy, có cách nào để bảo vệ trẻ một cách toàn diện phía sau cánh cổng nhà trường hay không? VOH có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TPHCM

* VOH: Thưa Luật sư, có thể nói giáo dục trong nhà trường giữ vai trò chủ đạo trong sự hình thành và phát triển nhân cách trẻ. Tuy nhiên, qua một số vụ việc xảy ra gần đây, luật sư nghĩ như thế nào về vai trò này?

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ: Ở đây chúng ta thấy giáo dục trong nhà trường đương nhiên là giữ vai trò chủ đạo trong việc hình thành, phát triển nhân cách trẻ em.

Chúng ta thấy Luật Trẻ em 2016 có quy định các quyền trẻ em được hưởng như quyền sống còn, quyền bảo vệ, quyền phát triển, tham gia. Quyền sống còn ở đây thì các em phải sống trong một môi trường an toàn, sống trong một môi trường an lành, sống trong một môi trường được giáo dục, để các em được bảo vệ, được phát triển. Tuy nhiên, qua một vụ việc xảy ra gần đây thì chúng ta thấy được vai trò quan tâm của giáo viên, của nhà trường thì chúng ta cần suy nghĩ thêm, từ bảo vệ, từ các em, từ các giáo viên xảy ra ở khắp mọi nơi.

Chúng ta đã tin tưởng môi trường giáo dục, chúng ta gửi gắm, hi vọng con, em chúng ta sẽ được hưởng những điều tốt nhưng vụ việc ở Tây Ninh gần đây thầy giáo gọi các em lên và xâm hại các em. Rồi tự các em làm những việc nguy hiểm cho chính mình và bạn bè trong nhà trường. Những người làm công tác giáo dục làm gương, dạy dỗ các em như thế nào?. Đây là điều đáng suy nghĩ. Làm thế nào để cho thấy ngành giáo dục là nơi các em có một môi trường an toàn, phụ huynh yên tâm gửi các em vào.

Là luật sư - chúng tôi thấy chúng ta nên xem xét lại vấn đề này đối với nhà trường để cho các em được phát triển nhân cách tốt hơn.

* VOH: Trẻ em, đặc biệt là trẻ mầm non và Tiểu học còn quá nhỏ để có thể tự bảo vệ mình trước những nguy hiểm xung quanh. Vậy, có cách nào để trẻ được bảo vệ một cách toàn diện nhất phía sau cánh cổng nhà trường hay không, thưa Luật sư?

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ: Có rất nhiều cách, trẻ em là đối tượng đặc biệt được Nhà nước quan tâm, nhất là trẻ em bậc mầm non, tiểu học thì còn quá nhở không biết bảo vệ mình trước những nguy hiểm.

Để các em được bảo vệ một cách toàn diện nhất phía sau cổng nhà trường là chúng tôi đề nghị lắp đặt camera toàn bộ cho các nhà trường thì hầu như là 90% - 95% các trường mầm non, mẫu giáo đã làm việc này, thể hiện sự quan tâm tới sức khỏe, ăn uống và cả việc đảm bảo an toàn cho trẻ trong nhà trường nữa.

Và nếu có thể thì tất cả các bậc tiểu học cũng nên gắn camera để bảo vệ cho các em. Bên cạnh đó phải thường xuyên tập huấn cho đội ngũ giáo viên trong nhà trường, trước nhất là phương pháp sư phạm, thứ 2 là phương pháp giáo dục trẻ để hình thành nhân cách và thường xuyên giám sát công việc của các thầy, cô giáo trong trường, sau đó chúng ta mới kết hợp với hội luật sư, hội bảo vệ trẻ em để tới dạy cho các em, tuyên truyền cho các em biết cách phòng chống xâm hại như thế nào, biết tự bảo vệ như thế nào, cho các em biết ba quy tắc vàng khi các em không có người thân bên cạnh các em phải bảo vệ mình.

Thứ nhất phải cho các em biết cơ thể các em là của chính các em, quy tắc thứ 2 là gặp người quen hay người lạ cũng phải tránh xa 1 mét khi không có người thân bên cạnh và quy tắc thứ 3 dạy các em khi gặp người lạ tiến, người xấu tiến lại gần thì phải biết la lên.

Phải dạy cho các em biết tự vệ, quy tắc 5 ngón tay để các em biết ai được ôm, ai được hôn, ai được bắt tay, ai được nắm tay các em, ai các em phải vẫy tay chào và ai các em phải xua tay đi.

Chúng tôi đề nghị các trường học nên liên hệ với chi hội luật sư, hội bảo vệ quyền trẻ em TPHCM để các luật sư đến hướng dẫn kĩ năng tự bảo vệ mình trước các nguy cơ rình rập các em.

bảo vệ trẻ em, trường học, ngày 2 tháng 10 năm 2020
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (trái) tham gia buổi Tọa đàm Quyền trẻ em và các vấn đề liên quan tại VOH

* VOH:  Luật sư có thể chia sẻ thêm về những “công cụ” bảo vệ trẻ cũng như các hình thức xử phạt liên quan đến các trường hợp xâm hại, bạo hành trẻ mà pháp luật Việt Nam quy định hiện nay?

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ: Trong Luật trẻ em 2016, Bộ Luật hình sự quy định rất rõ ràng vấn đề này. Ví dụ tội đánh trẻ em, gây thương tích sẽ bị xử lý rất nghiêm cho dù đi khám thương tật dưới 11% cũng bị khởi tố hình sự.

Còn về vấn đề xâm hại thì tùy mức độ, tùy hành vi những người xâm hại, chẳng hạn những người lệ thuộc mình, các em làm nạn nhân có thai, các em dưới 10 tuổi…, để đủ sức răng đe chúng tôi đề nghị phương pháp thiến hóa học.

Hiện nay, khung hình phạt tối đa đã từ 12 đến 20 năm, thậm chí chung thân hay tử hình, nhưng các trường hôp vẫn tiếp tục xảy ra, mức độ có khi nhiều hơn. Chính vì điều này mà chúng tôi đề xuất các cơ quan chức năng nghiên cứu thêm về vấn đề thiến hóa học. làm thế nào dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em.

* VOH:  Tại TPHCM, những kênh thông tin nào trẻ em có thể liên hệ khi cần sự trợ giúp, thưa Luật sư?

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ: Tại TPHCM có nhiều kênh thông tin chúng ta có thể liên hệ, ví dụ: Đường dây nóng Hội Bảo vệ trẻ em TPHCM, Đường dây nóng của Hội Liên hiệp phụ nữ TPHCM, Báo Phụ nữ TPHCM và riêng cá nhân chúng tôi tiếp nhận rất nhiều qua đường dây nóng Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, đường dây nóng là 0906.386.166 chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các em 24/24.

* VOH:  Xin cảm ơn những chia sẻ của Luật sư!

Xem thêm:

Bình luận