7 đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp, trong đó có Bộ Y tế

(VOH) - 7/12 bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp, dưới 20% là: Hội Nhà báo Việt Nam (2,45%), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (3,55%), Bộ Y tế (7,86%)...

Sáng 26/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổ trưởng Tổ công tác số 3 kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 làm việc với một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 30/9, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương đã phân bổ chi tiết 100% vốn đầu tư công, giải ngân được 2.603/12.539 tỷ đồng được giao, đạt 20,77%.

Bảy đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp, trong đó có Bộ Y tế 1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương.

Riêng 7/12 bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp, dưới 20% là: Hội Nhà báo Việt Nam (2,45%), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (3,55%), Bộ Y tế (7,86%), Đại học Quốc gia TPHCM (13,71%), Hội Luật gia Việt Nam (14,36%), Đại học Quốc gia Hà Nội (15,03%), Hội Nhà văn Việt Nam (15,42%).

Dự kiến đến hết năm 2022, Bộ GD&ĐT cam kết giải ngân 57,88%, Bộ LĐ-TB&XH là 74%, Bộ TT&TT là 89,15%, Bộ Y tế là 71,4%, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là 14,91%, Đại học Quốc gia TPHCM là 40%, Đại học Quốc gia Hà Nội là 35,3%; Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam cam kết hoàn thành giải ngân 100%…

Theo tổng hợp từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến, phản ánh của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, khó khăn, vướng mắc về thể chế, quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư công chủ yếu là về thẩm quyền phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành thông tư để tháo gỡ ngày 19/10); chưa có quy định nhất quán cho phép tách khâu giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư, tài sản  bảo đảm các khoản vay lại.

Trong tổ chức triển khai thực hiện, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn chưa sát với khả năng thực hiện; khảo sát thiết kế chưa tốt; quá trình triển khai dự án còn hạn chế do tính đặc thù của từng bộ, ngành, năng lực chưa tốt của chủ đầu tư, ban quản lý dự án; vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng (đơn giá đền bù, khiếu kiệu của người dân).

Đại diện một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương đã đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước trong năm 2022.

Đối với những dự án có thể giải ngân nhưng đang chậm trễ, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương mong muốn các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng… phối hợp giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ để rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt dự án…

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là nỗ lực hết sức, tháo gỡ đến cùng để giải ngân vốn đầu tư công, không để tình trạng "có tiền mà không tiêu được"; đồng thời những dự án không giải ngân được thì khẩn trương làm thủ tục để hoàn trả lại vốn đã phân bổ về ngân sách.

Bình luận