Tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước, chiếm hơn 20% số ổ bệnh dại của các tỉnh khu vực phía Nam.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai, hiện nay địa phương có tổng đàn chó khoảng 300.000 con.
Đến thời điểm hiện tại, địa phương đã triển khai tiêm phòng được hơn 70.000 liều vaccine, còn khoảng 120.000 liều vaccine còn hiệu lực. Như vậy, tỷ lệ tiêm phòng trên tổng đàn chó, mèo đạt rất thấp, mới chỉ đạt khoảng hơn 30%.
Ông Trần Minh Hòa, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết, qua điều tra dịch tễ các ổ bệnh chó dại trên địa bàn tỉnh, lực lượng chức năng thống kê có hơn 40 người đã bị chó, mèo cắn, cào nhưng trong số này có hơn 10 người chủ quan không đi tiêm vaccine phòng bệnh dại, không tiêm huyết thanh kháng dại.
Nhiều người dân cho rằng, bị chó, mèo cắn, cào vết thương rất nhỏ, không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, từ những vết thương nhỏ đó, virus dại sẽ xâm nhập vào cơ thể khiến người bị nhiễm bệnh, lên cơn dại và tử vong.
Mới đây nhất, tỉnh Đồng Nai vừa ghi nhận trường hợp một người phụ nữ tử vong do bệnh dại. Nguyên nhân do chủ quan, không tiêm phòng dại sau khi bị chó cắn.
Gia đình người này nuôi nhốt chó trong cũi, trong quá trình chăm sóc, cho ăn, vô tình bị chó cắn vào tay nhưng chủ quan không đi tiêm vaccine, huyết thanh. Sau đó con chó này tử vong, gia đình đã làm thịt và chế biến thực phẩm.
Sau đó khoảng một tháng, người bị chó cắn bắt đầu có dấu hiệu sốt, mệt mỏi, chán ăn, bần thần, dễ kích động. Sau khi nhập viện điều trị, bệnh nhân bị rối loạn tri giác, nhiễm trùng, sợ gió, sùi bọt mép, ngưng tim, ngưng thở và tử vong sau đó.
Cho đến nay, bệnh dại vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên 100% bệnh nhân đã lên cơn dại sẽ tử vong. Do vậy, việc phòng bệnh dại cực kỳ quan trọng, người dân nên chủ động tiêm ngừa sau khi bị chó, mèo cắn, cào.
Mới đây, một người dân ở xã Lê Lợi, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã tử vong sau 3 tháng bị chó dại cắn. Một cán bộ phụ trách thú y Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thành phố Chí Linh cho biết, nạn nhân là ông V.V.T bị chó thả rông cắn cắn vào thời điểm khoảng tháng 3/2024.
Trước trường hợp này, từ năm 2016 - 2020, Hải Dương xảy ra 5 trường hợp người dân tử vong vì bệnh dại. Theo thông tin từ Sở Y tế Hải Dương, năm 2016, huyện Bình Giang có 1 trường hợp; năm 2017 có 1 trường hợp và năm 2018 có 2 trường hợp đều ở thành phố Chí Linh; năm 2020, huyện Kim Thành có 1 trường hợp.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ năm 2022 đến nay, bệnh dại có xu hướng gia tăng. Năm 2023, cả nước có 82 người chết vì căn bệnh này, gần 675.000 người phải điều trị dự phòng bệnh.
Trong đó, 80% trường hợp do chó cắn, 18% do mèo, còn lại do các động vật khác như khỉ, chuột, dơi.
Năm 2024, số người tử vong do bệnh dại gia tăng. Tính đến ngày 16/4, cả nước ghi nhận 29 ca tử vong do bệnh dại tại 17 tỉnh, thành phố (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2023).
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, để chủ động phòng, chống bệnh dại, người dân cần tiêm phòng bệnh dại đầy đủ cho chó, mèo, vật nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
Những người tiếp xúc thường xuyên với động vật như nhân viên thú y, kiểm lâm... cũng cần chích ngừa định kỳ.
Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm, mọi người cần rửa sạch và sát trùng vết thương, nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để chích vaccine, huyết thanh kháng dại kịp thời; tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa hay nhờ thầy lang chữa bệnh dại.