Bênh nhân "sập bẫy" quảng cáo 

(VOH) - Thời gian qua, bệnh nhân liên tục “sập bẫy” bởi các chiêu trò quảng cáo của các phòng khám Trung Quốc. Tiền mất, tật mang, nhiều bệnh nhân khi vỡ lẽ thì đã quá muộn màng.

"Vẽ" bệnh

Cuối tháng 2/2017, bệnh nhân Nguyễn Văn Khải, sinh năm 1988, ngụ Quận 6 bức xúc gửi đơn đến Thanh tra Sở Y tế TP và các cơ quan báo đài tố giác phòng khám đa khoa Baylor nằm trên đường Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10. Tin lời quảng cáo trên mạng, bệnh nhân đến đây chữa trĩ. Theo tường trình, bệnh nhân mất gần 30 triệu đồng để điều trị nhưng tình trạng bệnh vẫn không cải thiện… Khi ngành chức năng vào cuộc thì mới phát hiện phòng khám này hoạt động không phép.

Gần đây nhất là vụ việc phòng khám đa khoa Thăng Long trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 10 sau khi bị bệnh nhân tố giác buộc phải trả tiền lại cho bệnh nhân. Chỉ với viêm nhẹ tuyến tiền liệt mà bệnh nhân phải mất chi phí gần 34 triệu đồng cho 5 ngày điều trị, theo đó là vô số các thủ thuật, kĩ thuật được xem là “ngón nghề” để moi tiền bệnh nhân từ tiểu phẫu, thông ống, truyền nước, chiếu đèn hồng quan, rồi dùng sóng điện từ…

Trong khi đó, với bệnh lí rất nhẹ này, tại các cơ sở y tế chuyên khoa thì hầu như không cần điều trị.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra phòng khám có yếu tố nước ngoài. Hình: Bộ Y tế

Mời quý vị nghe nội dung bài viết này tại đây:

Mới đây, trong chuyến thị sát của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi vào các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc kiểm tra, Bộ trưởng tận mắt chứng kiến và nghe bệnh nhân chia sẻ họ đến đây cũng vì thấy quảng cáo trên mạng hay quá, tin tưởng nên đến ngay để điều trị.

Các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc luôn quảng cáo thế mạnh là chữa các bệnh đàn ông, nam khoa, tuyến tiền liệt và các bệnh lí chị em thường gặp.

Điểm chung hầu hết cũng chỉ là "vẽ" bệnh và kèm theo hóa đơn thanh toán khủng. Vì lỡ “leo lưng cọp”, bệnh nhân đành phải “bấm bụng” chạy tiền chữa bệnh, nhưng đáng tiếc là bệnh tình không hết mà tiền thì cũng không còn…

Tuy vậy, vẫn còn may mắn hơn so với những vụ việc kết cục hết sức đau lòng, bệnh nhân phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình mà thời gian qua báo chí đã không ngừng cảnh báo!

TPHCM với hơn 14.000 cơ sở y tế tư nhân, trong đó có 200 phòng khám đa khoa. Riêng 16 phòng khám có yếu tố nước ngoài, cụ thể có bác sĩ Trung Quốc thì Thanh tra Sở Y tế TP khẳng định qua thanh kiểm tra thì tần suất và mức độ vi phạm của các cơ sở này nhiều hơn.

Chưa nói đến các phòng khám chui, hoạt động không phép, TS.BS Bùi Minh Trạng – Chánh thanh tra Sở Y tế TP khẳng định sai phạm phổ biến của các phòng khám có yếu tố nước ngoài chủ yếu vẫn là thực hiện thủ thuật vượt quá chức năng, không công khai niêm yết giá, "vẽ" bệnh trục lợi bệnh nhân.

Những sự việc vừa nêu cũng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm với rất nhiều bất cập, sai phạm từ các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc. Đáng quan ngại là những sự việc như vậy vẫn diễn ra.

Những lời quảng cáo có cánh

Thử tìm kiếm trên mạng internet một vòng các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc sẽ “choáng” với những lời quảng cáo có đính kèm hình ảnh bệnh viện khang trang, thoáng mát, đội ngũ nhân viên y tế lịch thiệp, ân cần. Thực tế có phòng khám có bác sĩ Trung Quốc, dù quảng cáo chuyên ngoại khoa nhưng hồ sơ bệnh án cũng chỉ thực hiện mỗi thủ thuật cắt bao quy đầu, điều đáng ngờ là phòng khám vẫn có lợi nhuận duy trì hoạt động.

Những câu chuyện này không chỉ dừng lại ở lòng tin mù quáng vào lời quảng cáo có cánh trên mạng mà cũng là một thực trạng, bài toán để ngành y tế cần nhìn lại.

Bệnh nhân cần nhất vẫn là sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh một cách tốt nhất.

Một khi sự quá tải vẫn còn, công tác tiếp thị, quảng bá hình ảnh của các cơ sở y tế công chưa tốt, quản lý nhà nước chưa theo sát được thì phòng khám Trung Quốc vẫn còn có cơ hội chen chân, len lỏi để hòng tiếp tục dụ dỗ bệnh nhân./.