Bình Định mưa lũ kéo dài, hơn 19.000 học sinh không thể tới trường

(VOH) - Từ đêm 11/10, tình trạng ngập lụt xảy ra nhiều địa phương ở Bình Định.Sáng 13/10, ước tính có khoảng 19.300 học sinh của tỉnh không thể đến trường.

Chiều ngày 13/10, Đoàn công tác do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh dẫn đầu đi kiểm tra công tác ứng phó với mưa lớn trên địa bàn thành phố Quy Nhơn và huyện Tuy Phước.

Tại huyện Tuy Phước, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đi kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ tại dự án giao thông Diêm Vân - Cát Tiến. Đây là công trình giao thông trọng điểm của tỉnh, do vậy các đơn vị thi công, chỉ huy công trình túc trực giám sát và khẩn trương triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn tính mạng, vật tư, thiết bị máy móc trên công trường. Toàn bộ đội ngũ công nhân, kỹ sư phải sơ tán kịp thời và tuyệt đối không lưu lại trên công trường khi có nước lũ về. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị chủ đầu tư trước mắt yêu cầu các nhà thầu gia cố mặt đường để tránh tình trạng khi có mưa lớn sẽ làm xói lở mặt đường, gây sa bồi thủy phá đối với diện tích sản xuất lúa của bà con.

Bình Định mưa lũ kéo dài, hơn 19.000 học sinh không thể tới trường 1

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh kiểm tra sạt lở đất tại các điểm thuộc phường Ghềnh Ráng (Quy Nhơn).

Kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ tại dự án đường Điện Biên Phủ nối dài đến khu đô thị Diêm Vân,  Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu các đơn vị thi công phải nhanh chóng khơi thông dòng chảy, lòng cống, lòng cầu; giải quyết tốt thoát nước khi có lũ lớn. Sở Giao thông Vận tải chủ động phối hợp với các đơn vị thi công triển khai các biện pháp bảo vệ, đảm bảo an toàn  công trình trong những ngày mưa lũ.

Kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ tại tuyến giao thông Quy Nhơn – Nhơn Hải và tuyến Quốc lộ 1D, Quy Nhơn - Sông Cầu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu Sở GTVT, UBND thành phố Quy Nhơn tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, có phương án xử lý và phân luồng giao thông từ xa; Bố trí lực lượng trực gác, hướng dẫn giao thông tại các vị trí có nguy cơ bị nước ngập sâu, chảy xiết. Thực hiện phương châm 4 tại chỗ để khi nước rút đến đâu khẩn trương khắc phục sự cố, huy động tối đa máy móc, thiết bị và nhân lực hiện có trên địa bàn để bảo đảm thông xe với thời gian nhanh nhất. Các đơn vị quản lý, bảo trì phải có phương án chuẩn bị lực lượng, thiết bị, dự trữ nhiên liệu, vật liệu và điều kiện khác để sẵn sàng huy động khi có tình huống phát sinh theo đúng nguyên tắc “4 tại chỗ”. Khi có sự cố xảy ra, các đơn vị quản lý phải triển khai ngay phương án khắc phục, đảm bảo giao thông tạm thời nếu điều kiện cho phép, nhưng lưu ý đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện. 

Từ đêm 11/10, tình trạng ngập lụt xảy ra nhiều địa phương ở Bình Định. Tại TP Quy Nhơn, nhiều tuyến giao thông bị ngập sâu 0,5-1 m. Trong đó, ngập lụt nặng nhất là các phường Ghềnh Ráng, Quang Trung, Nhơn Phú, Nhơn Bình, Trần Quang Diệu, Quang Trung. Chính quyền đã hỗ trợ sơ tán các hộ dân ở vùng thấp đến nơi an toàn.

 

Sáng 13/10, theo báo cáo nhanh của các cơ sở giáo dục trong tỉnh, ước tính có khoảng 19.300 học sinh của tỉnh không thể đến trường do lũ lụt (giảm gần 23.000 học sinh so với ngày 12/10/2022) tập trung vào các xã thuộc khu Đông của huyện Tuy Phước, Phù Cát và thị xã An Nhơn. 

Sở Giáo dục và Đào tạo đã giao cho thủ trưởng các cơ sở giáo dục tiếp tục theo dõi tình hình nước lũ tràn về; đặc biệt là tình hình đường đến trường bị chia cắt để quyết định tiếp tục cho học sinh nghỉ học nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho học sinh, giáo viên.