Liên quan đến công tác điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương đã đưa ra một số giải pháp tại họp báo thường kỳ Quý III/2022 của Bộ Công Thương diễn ra chiều nay 12/10. Trong đó, Bộ nhấn mạnh sẽ sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới
Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện việc tính toán và điều hành giá xăng dầu nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, các Thông tư hướng dẫn và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để giá xăng dầu trong nước có diễn biến phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới.
Ngoài ra, Liên Bộ cũng sẽ sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu; đồng thời tiếp tục khôi phục Quỹ BOG để có dư địa điều hành giá khi thị trường còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, giá có xu hướng tăng cao.
Bộ kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát các chi phí kinh doanh xăng dầu (nhất là mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam) để bảo đảm có sự điều chỉnh phù hợp với thực tế phát sinh, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tăng cường nhập khẩu để bảo đảm nguồn cung cho thị trường.
Trước một số ý kiến cho rằng chi phí trong cơ cấu giá cơ sở mặt hàng xăng dầu (chi phí đầu vào, chi phí định mức, chi phí vận chuyển…) đã lạc hậu so với thực tế, Bộ Công Thương cho biết, Theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, Bộ Tài chính được giao rà soát điều chỉnh và thông báo để Bộ Công Thương áp dụng trong công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu. Trên cơ sở thông tin xác thực từ các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, khi các mức chi phí kinh doanh xăng dầu tiếp tục tăng, Bộ Công Thương sẽ phối hợp kiến nghị Bộ Tài chính rà soát và điều chỉnh các mức chi phí đã tăng để bảo đảm tính đúng, tính đủ các chi phí này trong công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo mức phù hợp với thực tế phát sinh nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tăng lượng nhập hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường. |