“Bộ đội Cụ Hồ”- Người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam là tài sản văn hoá tinh thần vô giá

(VOH) - Ngày 22/12/1944, tại khu rừng thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chính thức làm lễ thành lập, với 34 chiến sĩ do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy.

Tư đó ngày 22/12/1944 được xác định là Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”- “Bộ đội Cụ Hồ” đã trở thành biểu tượng cao đẹp, một hình ảnh thân thương và gần gũi với nhân dân trong thời chiến cũng như thời bình

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chính thức làm lễ thành lập, với 34 chiến sĩ do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy.

Trên thế giới, hiếm có đất nước nào, dân tộc nào mà hình ảnh người lính lại được toàn dân coi đó là hình mẫu của con người trong cả một thời đại, một hình ảnh tạo được lòng tin yêu, sự quý trọng, có sức động viên mọi thế hệ con cháu kế tiếp noi theo gương sáng của người lính như “Bộ đội Cụ Hồ” của dân tộc Việt Nam.

Danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” đã trở thành giá trị độc đáo của văn hóa giữ nước Việt Nam, thể hiện sâu sắc bản chất cách mạng của quân đội ta. Nét đặc trưng, nổi trội của giá trị văn hóa quân sự “Bộ đội Cụ Hồ” được thể hiện tập trung ở sự tận trung với Đảng, với nước, tận hiếu với dân; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

Có thể khẳng định, “Bộ đội Cụ Hồ” là đỉnh cao về hình tượng của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngay từ trong kháng chiến chống thực dân Pháp, hình ảnh “Vệ quốc quân” với những gương chiến sĩ kiên cường, với cái cười thật hồn nhiên và chiếc mũ có lưới ngụy trang cùng chiếc áo trấn thủ đã đi vào tâm khảm nhân dân. Họ đi đến đâu giặc tan, đời sống yên bình đến đó. Ngày nay, quân đội ta luôn là lực lượng trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, hàng vạn người lính chẳng tiếc tuổi xanh, đã hi sinh thân mình vì Tổ quốc, dù là nơi biên cương rừng sâu hay hải đảo sóng to gió lớn.

Lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam cũng chính là lịch sử hình thành, bổ sung và phát triển phẩm chất nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Qua đó, làm phong phú thêm những giá trị văn hoá cao đẹp của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Những năm gần đây, với âm mưu thúc đẩy “phi chính trị hóa” quân đội ta, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách hòng làm lu mờ, phai nhạt, đi đến phủ nhận giá trị văn hóa quân sự độc đáo này.

Về bản chất, âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội của chúng là nhằm chuyển hướng chính trị của quân đội ta từ quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân sang kiểu quân đội tư bản, nhà nghề do giai cấp tư sản lãnh đạo, phục vụ cho mục đích của giai cấp tư sản. Mục tiêu của chúng không thay đổi, song nội dung, phương thức, thủ đoạn, phương tiện sử dụng có sự thay đổi nham hiểm và gây tác hại to lớn hơn so với trước.

Đặc biệt là, các thế lực thù địch triệt để khai thác những vấn đề nội bộ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tạo sự nghi ngờ của nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vai trò của lực lượng vũ trang. Vì vậy, giữ gìn, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” không chỉ là hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng, mà còn là hoạt động văn hoá - đạo đức, mang ý nghĩa nhân văn và xã hội sâu sắc, là biện pháp đạt tới những giá trị chân - thiện - mỹ của cán bộ, chiến sĩ quân đội ta trong sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Trải qua 75 năm hình thành và phát triển, quân đội ta không tách rời với lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc cũng như công cuộc dựng xây, bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới. Các thế hệ sĩ quan, chiến sĩ quân đội vẫn nối tiếp nhau phát huy truyền thống và bản chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, luôn làm đúng chức năng của đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân sản xuất.

Danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” là tài sản văn hoá tinh thần vô giá do nhân dân yêu mến, trao tặng, gửi gắm niềm tin yêu dành cho cán bộ, chiến sĩ quân đội ta. Song song đó, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, đã và đang làm tất cả những việc gì có thể làm để cùng toàn quân nâng cao danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới; coi đây là chuẩn mực đạo đức nhân cách người quân nhân cách mạng, là “tấm gương sáng” cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trẻ và thanh niên cả nước hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

Trong bối cảnh hiện nay, giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ", làm cho tấm gương ấy tiếp tục toả sáng, luôn là niềm tin yêu, kiêu hãnh, niềm vinh dự, tự hào, sự ngưỡng mộ của nhân dân và bạn bè quốc tế, là việc làm mang tầm chiến lược, giàu tính nhân văn và cấp bách. Đó là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân, của cả hệ thống chính trị ở nước ta, đồng thời là danh dự, trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Các cấp ủy, cơ quan đơn vị cần tập trung xây dựng, tôn vinh và nhân rộng điển hình tiên tiến, mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, để phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trở thành lẽ sống, phương châm hành động của cán bộ, chiến sĩ toàn quân và tỏa sáng trong đời sống xã hội.

Kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, trong đó lấy “xây làm chính”. Kiên quyết xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật của Đảng, kỷ luật quân đội, những điều đảng viên không được làm và những việc làm gây phương hại đến uy tín, truyền thống, phẩm chất người quân nhân cách mạng.

Có như vậy, hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” mới không bao giờ phai nhoà trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam, mới xứng đáng với từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc mà ông cha đã phải đánh đổi bằng mồ hôi, xương máu, nước mắt của mình mới có được.

Những tư liệu quý từ cuốn sách viết về cội nguồn Cách mạng Việt Nam - (VOH) - Sáng 21/12, tại Đường Sách Nguyễn Văn Bình, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức giới thiệu Cuốn sách “Cao Bằng - nơi cội nguồn Cách mạng Việt Nam”.