Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc mới đây cho biết, thị trường chứng khoán, trái phiếu trong năm 2022 có nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu từ niềm tin của nhà đầu tư và thanh khoản thị trường trong nước, cũng như tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về tình hình kinh tế - chính trị thế giới.
Đối với thị trường trong nước, việc lãi suất ngân hàng tăng nên có xu hướng tiền dịch chuyển sang hệ thống ngân hàng thương mại và thanh khoản của nền kinh tế khó khăn.
Riêng thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) còn bị ảnh hưởng bởi niềm tin của nhà đầu tư do các sai phạm của một số DN vừa bị xử lý và việc một số phương tiện đưa tin không chính thống, tin thất thiệt về một số DN phát hành trái phiếu.
Việc kiểm tra, giám sát tập trung vào giám sát mục đích phát hành trái phiếu cũng dẫn đến tâm lý quan ngại của cả DN phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ.
Trong thời gian tới, nhằm phát triển thị trường an toàn, minh bạch, bền vững, trong năm 2023, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý như rà soát Luật Chứng khoán, Luật doanh nghiệp để sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành TPDN, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Xem xét trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65 nhằm tháo gỡ các khó khăn phát sinh hiện nay. Tăng cường truyền thông, ổn định tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư
Xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm trong cung cấp dịch vụ về TPDN, phân phối trái phiếu. Đặc biệt là việc chào mời khách hàng gửi tiền tiết kiệm chuyển sang mua TPDN riêng lẻ thông qua mua trực tiếp hoặc ký hợp đồng hợp tác đầu tư với công ty chứng khoán, ...
"Bên cạnh các nhiệm vụ thuộc phạm quản lý, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để nâng cao hiệu quả công tác giám sát liên thông, kịp thời nhận diện, cảnh báo rủi ro và bảo đảm thị trường hoạt động lành mạnh, an toàn, bền vững", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.