Tại phiên họp góp ý sửa đổi ba luật giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn đã nêu nhiều quan điểm đổi mới, nhấn mạnh đến yêu cầu nâng cao chất lượng và tính đa dạng của hệ thống giáo dục quốc dân.
Phiên họp do Bộ GD&ĐT phối hợp với Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội tổ chức nhằm rà soát, tham vấn chính sách đối với các Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng việc sửa luật phải hướng đến mục tiêu lớn là đổi mới toàn diện hệ thống giáo dục, đảm bảo sự thông suốt, đồng bộ và vận hành hiệu quả.
Theo ông, “gia tăng chất lượng” là từ khóa quan trọng nhất. “Sửa luật để buông cái cần buông, nắm cái cần nắm… để hệ thống quản lý đơn giản hơn nhưng hiệu lực, hiệu quả hơn,” Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng đặt vấn đề về việc chấp nhận một hệ thống giáo dục đa dạng hơn, với dẫn chứng đáng chú ý: “Trong Đại học Quốc gia có trường mầm non, tại sao không?”. Theo ông, điều cốt lõi không nằm ở mô hình tổ chức mà ở chất lượng thực tế của từng đơn vị trong hệ thống.
Ngoài ra, Bộ trưởng đề xuất hướng tới tuyển sinh phổ thông không theo địa giới hành chính từ năm học 2026–2027. Ông cũng ủng hộ mô hình trường trung học nghề – tích hợp giữa giáo dục văn hóa và đào tạo kỹ năng nghề – nhằm phát triển lực lượng lao động có chuyên môn ngay từ bậc học phổ thông.
Đối với giáo dục đại học, Bộ trưởng nhấn mạnh cần đầu tư mạnh, phát triển nhanh trong 10 năm tới. Ông dẫn ví dụ Đại học Thái Nguyên như một mô hình đại học vùng hiệu quả, đồng thời lưu ý cần thay đổi mô hình quản trị bên trong để tăng tính dẫn dắt.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng cần làm rõ sự phân tách giữa kiến thức và kỹ năng nghề; đồng thời, phải có cơ chế đầu tư hợp lý cho các ngành đặc thù như sư phạm, y tế, luật. Ông cũng nhấn mạnh vai trò quản lý đào tạo tiến sĩ phải thuộc Bộ GD&ĐT.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa đánh giá việc sửa ba luật cùng kỳ họp là “kỳ tích” nhưng cần đảm bảo tính thống nhất, tránh chồng chéo với các luật khác sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Bà đề nghị tháo gỡ vướng mắc trong liên thông, công nhận bằng cấp và đào tạo ngành đặc thù như sức khỏe, nghệ thuật, thể thao.
Phó Chủ nhiệm Đinh Công Sỹ đề xuất luật cần thể hiện rõ định hướng chuyển đổi số, có chính sách thu hút người học vào các ngành “kén” nhân lực, đồng thời gỡ nút thắt trong huy động tài chính, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu trong các cơ sở giáo dục.
Việc sửa ba luật giáo dục lần này không chỉ nhằm hoàn thiện thể chế mà còn định hình lại chiến lược phát triển giáo dục trong kỷ nguyên số và hội nhập.