Chờ...

Bộ Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Hãy chuyển những việc vất vả, tốn thời gian sang cho AI

VOH - Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, năm 2024 này, hãy ứng dụng AI nhiều hơn, giải phóng con người vào những việc thú vị hơn.

Phát biểu tại lễ tổng kết năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Hà Nội ngày 29/12, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, kinh tế số của Việt Nam đang chiếm 16,5% GDP và luôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn tăng trưởng GDP khoảng ba lần. Đặc biệt, kinh tế số còn giúp tăng năng suất lao động.

Khi phát triển kinh tế số với bốn trụ cột: công nghiệp, công nghệ thông tin và truyền thông, số hoá các ngành, quản trị số và dữ liệu số để tạo động lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững, có thể cùng lúc đạt hai mục tiêu: vừa tăng trưởng GDP, vừa tăng năng suất lao động.

Ông Hùng cho biết năm 2024 cũng là năm phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của chuyển đổi số, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số, tạo ra động lực mới để tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động.

Bộ Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Hãy chuyển những việc vất vả, tốn thời gian sang cho AI 1
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng - Ảnh: TTXVN

“Năm 2024 là năm dịch vụ công trực tuyến phải hoàn chỉnh và thực chất. Dịch vụ công trực tuyến hoàn chỉnh là phải được làm từ nhà, từ xa, người dân không đến nộp hồ sơ tại trung tâm một cửa. Dịch vụ công thực chất thì ít nhất phải có 70% người dân sử dụng”, ông Hùng nói.

Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông cho biết với 120.000 văn bản, thể chế trong hệ thống pháp luật của chúng ta đã vượt quá khả năng xử lý của cá nhân. Số lượng này đang tiếp tục tăng qua mỗi năm.

"Lời giải duy nhất hiện nay là hãy để AI xử lý số lớn, con người thì xử lý số nhỏ, hiện nay đã có AI làm thay được, lại làm tốt hơn rất nhiều. Năm 2024 này, các bộ ngành và địa phương hãy dành sự quan tâm đặc biệt để chuyển những việc vất vả, khó khăn, tốn thời gian sang cho AI, giải phóng con người vào những việc thú vị hơn". - ông Hùng nhận định.

Theo ông Hùng,. Bộ Thông tin và Truyền thông đang chỉ đạo phát triển bốn trợ lý chính: Trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ công chức; Trợ lý ảo phát hiện mâu thuẫn văn bản pháp luật;

Trợ lý ảo hỗ trợ pháp lý cho người dân; Trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán, đã đưa vào sử dụng hơn một năm nay, giảm thời gian xử án 30%, và nâng cao chất lượng.