Bộ trưởng Tô Lâm: Không ai được giữ thẻ căn cước của dân, ngoại trừ phục vụ điều tra

VOH - Thảo luận tổ ở Quốc hội về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) vào ngày 10/6, Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định căn cước là vật bất ly thân của người dân, không ai có quyền giữ.

'Ngoại trừ trường hợp vi phạm pháp luật bị cơ quan có thẩm quyền giữ để phục vụ điều tra', ông Tô Lâm khẳng định.

 Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, việc xây dựng luật nhằm tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp, tăng cường hiệu lực quản lý.

Đặc biệt là quản lý với một số nhóm dân cư rất vất vả, đặc biệt là những trường hợp không thể tìm được thân nhân, không mang giấy tờ tùy thân nên không thể xác định danh tính.

“Hiện có tới hàng triệu người không có giấy tờ tùy thân, không có căn cước, hộ khẩu, nên không thể quản lý. Đó là con số đáng buồn”, ông Tô Lâm nói.

Bộ trưởng Tô Lâm: Không ai được giữ thẻ căn cước của dân, ngoại trừ phục vụ điều tra 1
Bộ trưởng Công an Tô Lâm - Ảnh: VOV

Đề xuất đổi tên Luật Căn cước công dân thành Luật căn cước

Đề cập lý do của việc đổi tên từ Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, việc sửa lại tên gọi nhằm đảm bảo tính chính xác và bao hàm hơn.

Thẻ căn cước không phải là giấy chứng nhận công dân. Có những trường hợp bị tước quyền công dân nhưng vẫn có căn cước và sở hữu tài sản. Vì vậy, cách gọi là căn cước công dân sẽ không chính xác.

Việc đưa tên gọi là căn cước để nhằm xác định những thông tin cơ bản như “anh là ai”, tên tuổi, nguồn gốc…; sử dụng căn cước để thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính.

Về lợi ích của việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ông Tô Lâm cho biết, tới đây sẽ không phải thực hiện tổng điều tra dân số, tiết kiệm cho nhà nước 1.500 tỉ đồng.

Chi phí xây dựng hệ thống là khoảng 3.000 tỷ đồng, nhưng mang lại lợi ích lớn là kết nối với các ngành khác và phục vụ cho nhân dân trong nhiều thủ tục hành chính, với con số tiết kiệm là hàng trăm ngàn tỷ đồng.

Theo đó, căn cước sẽ tích hợp kết nối với bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, sản xuất văn bằng chứng chỉ, in thẻ bảo hiểm y tế, sao y, chứng thực công chứng… đều mang lại lợi ích rất lớn.

Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tại hội trường ngày 22/6.