Tại Hội nghị Sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH-TTĐT) cho biết hoạt động ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc trên không gian mạng đạt tỷ lệ cao nhất từ trước tới nay.
Đã có 2.549 bài viết, 2 tài khoản, 54 page quảng cáo bị gỡ bỏ trên mạng xã hội Facebook; 6.101 video, 7 kênh trên Youtube bị gỡ; TikTok gỡ 415 liên kết và 149 tài khoản vi phạm.
Cục trưởng Cục PTTH-TTĐT Lê Quang Tự Do cho biết bài kinh nghiệm lớn nhất rút ra là cần sử dụng tổng hợp giải pháp đồng bộ về mặt kinh tế, truyền thông. Bên cạnh đó, chia nhóm đối tượng để quản lý, với một nhóm các nền tảng xuyên biên giới, nhóm còn lại tập trung đại lý quảng cáo cung cấp nguồn tiền để nuôi sống nền tảng cùng các nhóm làm nội dung trên mạng.
Cục trưởng Lê Quang Tự Do đánh giá từ năm 2017 tới nay, việc hợp tác và tỷ lệ đáp ứng của các nền tảng liên tục được cải thiện. Đặc biệt 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung xấu độc đạt mức cao nhất (hơn 90%).
Quy trình xử lý nội dung xấu độc đặt ở mức cao hơn lần đầu được triển khai đối với tình huống khẩn cấp, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Thời gian xử lý ngày càng nhanh hơn, huy động nhiều lực lượng cùng tham gia kết hợp thủ công và AI, thuật toán tự động.
Về việc kiểm tra toàn diện TikTok, Cục trưởng thông tin thêm hiện nay đoàn kiểm tra đang thực hiện các bước cuối và tháng 7 sẽ công bố.
Bộ TT&TT cũng yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới áp dụng công nghệ rà quét tự động với quảng cáo. Tuy nhiên, việc phát hiện vi phạm ở nội dung này còn hạn chế do hầu hết nền tảng áp dụng công nghệ phân phối quảng cáo tự động bằng AI. Để giải quyết, Bộ đã đàm phán với Facebook và YouTube để triển khai theo quy trình rút gọn.
Bộ TT&TT yêu cầu các nền tảng không bật kiếm tiền với trang, kênh có nội dung vi phạm để ngăn chặn dòng tiền quảng cáo nuôi dưỡng trang, kênh vi phạm pháp luật; các OTT cung cấp dịch vụ nội dung theo yêu cầu phải tuân thủ quy định Nghị định số 71 và Luật điện ảnh sửa đổi.
Sau yêu cầu, Netflix đã nộp hồ sơ xin đăng ký kinh doanh tại Việt Nam; 5 OTT nộp hồ sơ đăng ký với Bộ VH-TT&DL về cung cấp phim trực tuyến.
Bộ yêu cầu 5 nhà sản xuất TV lớn nhất không gắn app OTT cung cấp nội dung không có phép ở Việt Nam lên màn hình hoặc bộ điều khiển.
6 tháng cuối năm, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Cục PTTH-TTĐT là tập trung hoàn thiện và tham mưu Bộ TT&TT trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 72 về quản lý Internet và thông tin trên mạng.
Ngoài ra, trên nền kinh nghiệm xử lý TikTok, tìm cách nhân rộng, xử lý các nền tảng xuyên biên giới khác. Cục PTTH-TTĐT cũng sẽ thử nghiệm phối hợp với cộng đồng KOL để triển khai chiến dịch truyền thông về phòng chống tin giả trên mạng.