Chờ...

Bộ Y tế lý giải 7 nguyên nhân gây tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

(VOH) - Nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại nhiều địa phương vừa được Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận nêu ra tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023 vào chiều 3/3.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận, cho rằng, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vừa qua diễn ra ở một số bệnh viện, cơ sở y tế, có một số nguyên nhân cơ bản.

Thứ nhất, sau dịch bệnh nguồn cung về hàng hóa, đặc biệt là trang thiết bị, thuốc có dấu hiện khan hiếm; giá cả biến động, có loại biến động cao.

Thứ hai, nhu cầu khám bệnh của nhân dân sau dịch bệnh cũng tăng rất nhiều.

Thứ ba, một số hợp đồng cung ứng trước đây đã ký, nhiều hợp đồng liên quan đến hóa chất, vật tư thời hạn chỉ 1 năm, đăng ký tháng 7 năm ngoái thì đến tháng 7 năm nay là hết hạn. Theo Nghị quyết 144 của Chính phủ, các hợp đồng đó không được tiếp tục.

Thứ tư, tình trạng gia hạn cấp giấy phép bị quá tải.

Thứ năm, nhiều gói thầu không tìm được nhà thầu mua sắm. Có gói thầu phải đấu thầu 2, 3 lần mới có người cung ứng.

Thứ sáu, nhân lực thực hiện công tác đấu thầu không đáp ứng yêu cầu.

Thứ bảy, có tâm lý e ngại trong việc mua sắm các loại hàng hóa, đặc biệt là trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế…

Đọc thêm: Sửa Luật Đấu thầu: Phải gỡ vướng để người bệnh không thiếu thuốc

Bộ Y tế lý giải 7 nguyên nhân gây tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế 1
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận thông tin, giải đáp các vấn đề liên quan đến ngành y tế (Ảnh: VGP)

Thứ trưởng cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế rất tích cực phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ giải pháp tháo gỡ, đặc biệt là trong lĩnh vực mua sắm trang thiết bị, vật tư, thuốc như: tham mưu Chính phủ để báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết số 80 cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc đã hết hạn.

Đến ngày 2/3, Bộ Y tế đã gia hạn hơn 9.000 giấy phép. Như vậy, tất cả các loại thuốc trên thị trường đã đăng ký trước đây sẽ được tiếp tục lưu hành.

Bộ Y tế cũng trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 98. Chính phủ đang họp để sửa và tiếp tục kéo dài thời gian hiệu lực của Nghị quyết 144 ngày 5/11/2022 về đảm bảo trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế - Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin thêm.

Thứ trưởng Lê Đức Luận khẳng định, các bất cập liên quan đến mua sắm trang tiết bị y tế, thuốc và thanh toán bảo hiểm y tế sẽ được giải quyết. Trong đó tập trung giải quyết vướng mắc về giá. Trước đây yêu cầu phải có 3 báo giá nhưng có mặt hàng không thể lấy đủ 3 báo giá, đó là những mặt hàng độc quyền. Nội dung này phải sửa theo hướng chấp nhận có những trường hợp chỉ có 1, 2 báo giá.

Bên cạnh đó, trang thiết bị y tế cùng cấu hình, cùng tính năng nhưng nguồn gốc, xuất xứ, nhà sản xuất khác nhau thì giá khác nhau, nếu cứ lấy giá thấp nhất thì có thể sẽ không đảm bảo chất lượng.

“Chúng tôi cũng đang trình theo hướng Hội đồng khoa học của cơ sở y tế sẽ quyết định lựa chọn loại nào phù hợp với yêu cầu sử dụng, chứ không phải là cứ lấy giá thấp nhất. Nếu giải quyết được vấn đề đó thì sẽ tháo gỡ được khó khăn vướng mắc hiện nay cho các cơ sở y tế” - Thứ trưởng Lê Đức Luận nêu.

Về vấn đề chảy máu chất xám trong ngành y, Nghị quyết số 20 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII khẳng định, nghề y là nghề đặc biệt, nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, y đức, cần được tuyển chọn đào tạo, cần có đãi ngộ đặc biệt.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết, vừa qua, Bộ Y tế tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Khám sữa bệnh, có hiệu lực từ 1/1/2024 cũng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực khám chữa bệnh nói chung, trong đó có vấn đề nhân lực của ngành y tế.

Hiện nay các cơ sở y tế công lập, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn đã được áp dụng phụ cấp ưu đãi nghề với mức từ 20-70%.

Các nhân viên y tế thôn bản cũng đã được hưởng phụ cấp hằng tháng từ 0,3-0,5 so với mức lương tối thiểu. Bộ Y tế cũng đã trình Chính phủ để sửa đổi Nghị định số 56 năm 2011, theo hướng tăng phụ cấp đặc thù đặc biệt cho y tế cơ sở vùng xa vùng sâu.