Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương

(VOH) - Ngày 28/6 được chọn là ngày Gia đình Việt Nam. Đây là dịp để các thành viên soi rọi lại tổ ấm của mình cũng như cùng nhau giữ gìn hạnh phúc. Cứ mỗi ngày, nhớ về gia đình - mái ấm thiêng liêng, chúng ta hãy tự nhủ mình cần phải làm gì để tiếp thêm lửa cho “bến đỗ yêu thương”.

Tình cảm nhạt vì thiếu những bữa cơm sum vầy

Anh Nguyễn Anh Phong (TPHCM) kể, cuộc sống hiện đại đang tác động đến những mối quan hệ vốn khắng khít, bền chặt trong mỗi gia đình đã ít nhiều bị lỏng lẻo, tình cảm giữa các thành viên ngày càng xa. Và gia đình anh đã cố gắng bằng cách mỗi cuối tuần cả gia đình cha mẹ và con cái cùng đi ăn ở một quán ăn hoặc lâu lâu cũng phải nhờ đến dịch vụ “cơm ngon như mẹ nấu” giao tận nhà khi nhà có khách.

“Trước đây ông bà mình hay duy trì bữa cơm gia đình nhưng bây giờ hầu như không còn, con cái và cha mẹ ít khi có thời gian ngồi nói chuyện với nhau. Cha mẹ thì cứ đi làm suốt, con cái thì có người làm ở nhà trông. Từ đó dẫn đến việc những người trẻ chểnh mảng hơn, không quan tâm đến những hạnh phúc rất đơn giản, từ gia đình, bạn bè và người thân” – anh Phong chia sẻ.

Bữa cơm gia đình là dịp để cả nhà sum vầy (Ảnh minh họa: Khiêm Huân)

Có lẽ vì thế chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” tiếp tục được chọn trong lễ phát động Năm Gia đình Việt Nam 2016. Bởi bất cứ ai cũng cần có một mái nhà, cần sống trong yêu thương, chia sẻ, vỗ về.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, ở Tân Bình kể: “Đã thành thông lệ, một bữa cơm gia đình hiếm hoi ngày cuối tuần, vợ chồng chị ai nấy cắm cúi ăn, hai đứa nhỏ vừa ăn vừa dán mắt vào màn hình tivi, còn anh hết nghe điện thoại lại check mail, không ai nói với ai một lời. Bàn ăn có một đĩa trứng chiên, tô canh bí xanh nấu sườn heo và đĩa cá lóc kho tộ, một bữa cơm đơn giản nhưng đầy sự chăm chút yêu thương như vậy. Thế mà trong bữa cơm ấy không có tiếng nói, tiếng cười của cả gia đình.

Chị Lan mong muốn: “Mọi người đều bận, ít có thời gian quan tâm, chia sẻ và chuyện trò với nhau. Đặc biệt là buổi sáng đã không có dịp để ăn sáng với nhau. Trưa ăn ở cơ quan thì ít nhất tối về nên dành cho nhau một buổi tối quây quần ăn cơm rồi cùng chia sẻ như vậy nó sẽ thắt chặt được tình thâm trong gia đình, chia sẻ để hiểu nhau và giúp đỡ lẫn nhau”.

Nói về tình trạng này, bà Trần Thị Ngọt ở phường Đa Kao, Quận 1 cho rằng, trước đây cuộc sống khó khăn nhưng tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình vẫn rất hòa thuận, hạnh phúc nhưng hiện nay các gia đình ở đô thị rất ít khi ăn cơm cùng nhau. Thời gian họ dành cho nhau càng hiếm hoi. Nhìn rõ nguy cơ đó nên gia đình bà  bao gồm ba thế hệ đã cố gắng duy trì bữa cơm gia đình mỗi ngày, cũng nhờ đó mà tình cảm thêm gắn bó.

“Đa số những gia đình trẻ hiện giờ toàn ăn thức ăn nhanh hoặc mua đồ ăn về cho nên cái bữa cơm gia đình nó bị mai một đi. Còn gia đình cô, bữa cơm vào buổi tối sum họp con cháu đầy đủ. Con kể hôm nay con đi học con được cô khen, còn các bé mẫu giáo kể hôm nay cô thương con. Còn các con trong gia đình thì kể hôm nay kinh doanh có gì buồn bực về đều chia sẻ trong bữa cơm” - bà Ngọt tâm sự.

Và những tình yêu vượt thời gian

Còn câu chuyện cảm động của đôi vợ chồng già Huỳnh Sui Quang và Tô Thị Lúi ở quận Bình Tân có lẽ sẽ làm người nghe rưng rưng bởi tình yêu mãnh liệt họ dành cho nhau. Người chồng đã 76 tuổi, mặc dù chỉ còn thấy rõ một mắt nhưng hàng ngày vẫn rong ruổi trên chiếc xe máy cũ kĩ, chạy xe ôm kiếm từng đồng đưa về để mua gạo và mua thuốc cho người vợ nay ốm mai đau.

Ông Huỳnh Sui Quang nghẹn ngào: “Bà bị tiểu đường, gan nhiễm mỡ, rồi bốn năm thứ bệnh nữa. Sống nhờ thuốc. Hai vợ chồng ở với nhau cũng mấy chục năm rồi, ăn ở với nhau từ hồi đó tới giờ có gì thì mình cũng phải cố gắng, quan trọng là thuốc cho bả”.

Gần 60 năm chung sống và có với nhau 6 đứa con khỏe mạnh. Hai vợ chồng làm thuê làm mướn, không nề hà nặng nhọc, kiếm tiền nuôi các con trưởng thành. Bởi những vất vả đến kiệt sức đó, bà đổ bệnh, mất khả năng lao động. Rồi các con cũng có gia đình, lần lượt ra ở riêng, để lại cha mẹ già trong căn nhà thiếu trước hụt sau.

Trong hoàn cảnh đó, tình yêu của đôi vợ chồng ấy càng thêm mãnh liệt. Ngày ngày ông chạy xe ngoài đường, bà ở nhà lo cơm nước. Xong, bà ra ngồi trước cửa đợi ông về cùng ăn cơm, bà Lúi cho biết, tuổi ông đã già, sức yếu, mắt kém, tay chân không còn vững nên bà rất lo lắng: “Ở với nhau mấy chục năm rồi, yêu ổng lắm. Bị chóng mặt, nhức đầu mà kêu nghỉ không dám nghỉ đâu. Nghỉ thì đâu có đồ ăn, không có miếng rau, miếng cải cho tui ăn”.

Hẳn là trong cuộc sống này, cũng còn nhiều những đôi vợ chồng son nghĩa như họ lắm. Điều đó làm cho chúng ta có niềm tin hơn vào tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng và trân quý hơn từng giây phút ta được sống ấm áp bên mâm cơm dưới mái ấm gia đình. Và hơn hết, dù cuộc sống có trải qua bao thăng trầm, thử thách, dù ở thời đại nào thì gia đình vẫn là chốn quay về bình yên nhất.

 Ông Trần Hướng Dương, Vụ Phó Vụ Gia đình – Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nói, để được hạnh phúc thì việc tổ chức tốt bữa cơm gia đình trong cuộc sống hiện nay có vai trò rất quan trọng trong việc gắn kết các thành viên và nguồn cội gìn giữ hạnh phúc gia đình.

“Bữa cơm gia đình cũng là một trong những tác động như việc giáo dục con trẻ, hay bố mẹ với con cái nếu như bữa cơm được duy trì thì nó cũng tạo ra mối quan hệ trong gia đình giữa vợ và chồng, giữa ông bà và con cháu, giữa người cao tuổi và con em trong gia đình, giữa bố và mẹ cũng gần nhau hơn” – ông cho biết.

Theo Thạc sỹ Bùi Thanh Huyền - Chuyên viên tâm lý thì, những cặp vợ chồng không quý trọng bữa cơm gia đình có thể sẽ gặp khó khăn hơn trong giáo dục con cái cũng như trong việc bảo vệ tổ ấm của mình. Bởi lẽ, không khí đầm ấm sum vầy của gia đình hàng ngày không có thời gian nào khác ngoài thời gian các thành viên cùng được thưởng thức hương vị mặn, nồng, chua, cay của thức ăn và “vị” ngọt ngào của tình cảm cha mẹ - con cái.

Thạc sĩ Huyền cho hay, thực tế có những gia đình có điều kiện, người ta biến bữa cơm gia đình thành những bữa đi nhà hàng với những bữa ăn rất ngon nhưng nó sẽ không có không khí ấm cúng như trong bữa ăn gia đình. Vì vậy, trong gia đình nên cố gắng thu xếp ít nhất có một bữa tối để bữa cơm gia đình đó là dịp mọi người quây quần bên nhau. Trong không khí của bữa ăn thân mật đó sẽ là sự gắn kết giữa các thành viên hay là tình cảm, sự yêu thương quan tâm gì đó thì nó cũng bộc lộ rất rõ về thái độ hay cái cư xử, quan tâm của mọi người với nhau ở trong bữa ăn này.

Ngày Gia đình Việt Nam năm nay nhắc nhở mỗi người nâng niu, gìn giữ mái ấm của mình và tiếp lửa cho nó thường xuyên, liên tục hơn bởi rõ ràng gia đình hiện đại đang đối mặt với rất nhiều thách thức, nếu không được trang bị kỹ năng thích nghi, điều chỉnh cho phù hợp với những biến đổi phức tạp của cuộc sống thì nó sẽ chao đảo và có nguy cơ tan vỡ. Vì vậy, đừng để bữa cơm gia đình trở thành "bữa ăn cơm" đơn thuần mà hãy nâng niu gìn giữ nó để cho "bữa cơm gia đình" mãi là nét sinh hoạt văn hóa mang đậm hồn cốt dân tộc Việt.

Bình luận