Chờ...

Các đại biểu đề xuất bỏ thời điểm xác định giá đất, giá đất cụ thể

(VOH) - Ngày 24/2, tại Quảng Bình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì Hội nghị Lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành liên quan; đại diện Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; lãnh đạo các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Phú Yên.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều với 10 điểm mới.

Hội nghị nghe báo cáo của 12 tỉnh, thành phố về kết quả lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), một số ý kiến đóng góp dự thảo luật của nhân dân, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Lãnh đạo các địa phương góp ý cụ thể vào từng chương mục, kiến nghị sửa đổi đến Ban soạn thảo dự án luật; nêu khó khăn vướng mắc từ thực tế địa phương.

Các đại biểu đề xuất bỏ thời điểm xác định giá đất, giá đất cụ thể 1
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: TTXVN

Bốn vấn đề lớn trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được các đại biểu đào sâu là khái niệm Nhà nước là đại diện cho “sở hữu toàn dân”; quy hoạch; giá đất, phương pháp xác định giá đất; thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Hầu hết các đại biểu nêu lên việc nên bỏ thời điểm xác định giá đất, bỏ giá đất cụ thể.

Nguyên nhân, theo dự thảo Luật, nguyên tắc xác định giá là phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường; mặt khác giá đất được xây dựng hàng năm và áp dụng từ ngày 1/1 hàng năm. Bên cạnh đó, hiện nay đa số thông tin về giá trên hợp đồng chuyển nhượng khác với giá chuyển nhượng thực tế (thường thấp hơn nhiều), do đó thiếu cơ sở pháp lý để thẩm định giá đất cụ thể, tại một thời điểm cụ thể…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định việc sửa đổi Luật Đất đai là rất cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Phó Thủ tướng đánh giá cao tinh thần đóng góp của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.

Thời hạn đóng góp ý kiến không còn nhiều, các địa phương cần làm tốt hơn nữa việc truyền thông rộng rãi để người dân biết, nắm bắt, góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật.