Lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai (sửa đổi): Cần hiệu quả, tránh hình thức

(VOH) – Chiều 13/12, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Tờ trình về việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề, trên tinh thần “mọi quyết sách lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm” thì nội hàm “nhân dân” trong lấy ý kiến nhân dân được hiểu như thế nào? 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh phải có cách thức lấy ý kiến phù hợp, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, theo đó cần xác định vấn đề trọng tâm, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, đối tượng bị tác động trực tiếp.

Nếu như chỉ đăng tải trên Cổng thông tin điện tử thì liệu người dân có thể thấy hết được vấn đề hay không? Hay cần có báo cáo viên nêu những vấn đề vướng mắc, những tác động có thể có, cần có gợi ý cụ thể cho người dân nắm được” – Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Do thời gian không có nhiều, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần nghiên cứu kế thừa kinh nghiệm hoạt động lập pháp trước đây, trong đó có việc lấy ý kiến nhân dân để tổ chức hợp lý để tránh hình thức, phát huy vai trò các cơ quan, xác định rõ đầu mối tổng hợp, tiếp thu.

Lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai (sửa đổi): Cần hiệu quả, tránh hình thức 1
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Đề nghị kéo dài thời gian lấy ý kiến nhân dân 

Tham gia thảo luận tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị kết quả lấy ý kiến nhân dân cần gửi về Quốc hội để chủ động nắm thông tin và xem xét trong quá trình thẩm tra, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). 

Về thời gian lấy ý kiến, ông Cường đề nghị kéo dài thời gian đến ngày 15/3/2023 hoặc hết tháng 3/2023 bởi nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) rất quan trọng, có tác động lớn đối với nhân dân. 

Về nguyên tắc, tháng 5 mới bắt đầu kỳ họp của Quốc hội và tháng 10 mới thông qua dự thảo Luật, do đó cũng có độ trễ thời gian. Trong giai đoạn này, nếu triển khai Nghị quyết cũng bắt đầu vào giai đoạn tết cổ truyền, ông Cường cho rằng thời gian lấy ý kiến như vậy rất gấp cần cân nhắc, nghiên cứu về vấn đề thời gian.

Về đối tượng xin ý kiến, Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ đối tượng là doanh nghiệp rất quan trọng, tuy nhiên dự thảo Nghị quyết thể hiện còn chung chung. Do đó cần phải quy định rõ hơn về đối tượng trong dự thảo Nghị quyết.

Lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai (sửa đổi): Cần hiệu quả, tránh hình thức 2
Toàn cảnh phiên họp. 

Tại phiên họp, phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng cách triển khai lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) theo Tờ trình vẫn được tiến hành theo cách cũ nên hình thức và tính khả thi sẽ không cao. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, việc lấy ý kiến cần đủ các nhóm đối tượng bao phủ hết các hộ gia đình, cá nhân; doanh nghiệp, tổ chức kinh tế; các chuyên gia, các nhà khoa học; các cơ quan nhà nước (Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Tòa án, Viện kiểm sát…). 

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày Tờ trình việc lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). 

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trưởng Lê Minh Ngân yêu cầu của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân  phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, nghiêm túc, thực chất, khách quan. 

Nội dung lấy ý kiến phải toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số nội dung, chính sách lớn của dự án Luật, các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được dư luận quan tâm.

Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và báo cáo Quốc hội.

Về nội dung lấy ý kiến: Toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được dư luận quan tâm.

Việc tổ chức lấy ý kiến thông qua các hình thức: Góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm. Thông qua Cổng TTĐT của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các các cơ quan thông tấn báo chí. Điều tra xã hội học về nội dung chính sách và tác động các chính sách trong dự thảo Luật và các hình thức khác phù hợp.

Chính phủ đề nghị thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 3/1 đến ngày hết ngày 28/2/2023

Bình luận