Các đài phát thanh truyền hình đối mặt thách thức phát triển nguồn thu để tiến tới tự chủ

(VOH) - Chiều ngày 22/3, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức “Hội thảo Phát triển nguồn thu và ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực phát thanh truyền hình – Thách thức và cơ hội”.

Hội thảo được tổ chức tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và nằm trong chuỗi hoạt động triển khai kế hoạch công tác năm 2018 và tổng kết phong trào thi đua khen thưởng năm 2017.

Đến dự buổi hội thảo có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo, đại diện lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, Hội Nhà Báo Việt Nam, đại diện của 63 đài phát thanh - truyền hình các tỉnh, thành trên cả nước cùng đại diện một số đơn vị truyền thông số.

Hội thảo Phát triển nguồn thu và ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực phát thanh truyền hình

Tại hội thảo nhiều tham luận của các đài đã nêu ra những thách thức và khó khăn mà đa số các đài phát thanh truyền hình đang gặp phải như phát triển tạo nguồn thu, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động, cũng như tình hình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, vấn đề liên kết sản xuất chương trình để tạo nguồn thu, kinh phí thực hiện các chương trình đặt hàng cũng được đặt ra.

Cung cấp những thông tin nhằm làm rõ các nội dung mà các đại biểu nêu ra tại hội thảo ông Nguyễn Ngọc Hải, phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, đã trao đổi về những nội dung như tình hình thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị phát thanh, truyền hình, cơ chế quản lý kinh tế liên quan đến các đơn vị phát thanh, truyền hình cũng như một số nội dung mà các đơn vị phát thanh truyền hình sẽ thực hiện trong tương lai.

Phát biểu tổng kết hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông nêu rõ: Vấn đề nguồn thu là vấn đề sống còn của các đài PTTH vì đến năm 2020 các đài phải hoàn toàn tự chủ và đây là thách thức của các đài.

Theo xu thế phát triển, Nhà nước không thể cấp ngân sách mãi, do đó các đài cần chủ động. Riêng về các hiệp hội trong lĩnh vực PTTH thì vẫn chưa hoạt động hiệu quả trong thời gian qua, Bộ sẽ nghiên cứu lại để có cơ chế khuyến khích sự hội tụ và liên kết giữa các đài PTTH và các nhà sử dụng dịch vụ để tìm ra con đường ngắn nhất để phát triển và hướng đến tự chủ hoàn toàn.

Hội nghị tiếp tục làm việc trong ngày hôm nay 23/3/2018.

* Hiện nay, cả nước có 281 kênh phát thanh truyền hình, trong đó:

  • 78 kênh phát thành quảng bá
  • 9 kênh phát thanh trên truyền hình trực tuyến
  • 104 kênh truyền hình quảng bá
  • 90 kênh truyền hình trực tuyến