Các tỉnh nào bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão số 10?

(VOH) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão số 10.

Bão số 10 có thể vào các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa

Hiện nay bão số 10 (Goni) đang di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km.

Đến 19 giờ tối nay 4/11, vị trí tâm bão được dự báo sẽ cách Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 330km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão số 10 di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Đến 07 giờ sáng mai 5/11, vị trí tâm bão cách Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 190km về phía Đông.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão số 10 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, sau đó đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp.

Theo đó, từ đêm nay (4/11) đến ngày 6/11, ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 250-350mm/đợt; ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt. Từ ngày 5-7/11 ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt.

Các tỉnh đang tích cực phòng chống bão số 10

Để chủ động ứng phó với bão số 10, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương ven biển phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển; đồng thời giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để kịp thời thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu chủ động phòng tránh.

Bên cạnh đó, tổ chức hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại các khu tránh trú; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền. Triển khai phương án đảm bảo an toàn đối với các hoạt động du lịch, trên các đảo và lồng bè thủy hải sản ven biển.

Đến 10h sáng ngày 3/11, Khánh Hòa còn 203 tàu cá với 1.547 ngư dân hành nghề khai thác thủy sản. Tất cả cá tàu cá đã được thông báo, kêu gọi rời khỏi tầm nguy hiểm của cơn bão số 10. 2.817 bè nuôi trồng thủy sản của người dân Khánh Hòa có 13.617 người dân chăn nuôi, trông coi; tất cả đều phải vào bờ trước khi bão ập đến, những trường hợp né tránh sẽ phải áp dụng biện pháp cưỡng chế. Tại các cảng cá, bên bãi ven biển ở Khánh Hòa có hàng trăm tàu cá đã được người dân giằng chống, neo đậu tránh bão.

Tỉnh Phú Yên thực hiện cấm biển từ 9 giờ ngày hôm nay 4/11. Chủ tịch UBND huyện Tuy An, thị xã Đông Hòa, thị xã Sông Cầu và thành phố Tuy Hòa phải thông báo cấm các tàu, thuyền ra khơi, các hoạt động đánh bắt thủy, hải sản ven bờ và trên biển.

UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu: Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá phối hợp với các địa phương ven biển theo dõi chặt chẽ các thông tin về tình hình diễn biến của bão để chủ động thông báo cho ngư dân, chủ phương tiện tàu, thuyền hoạt động hành nghề đánh bắt trên biển trở lại sau bão, có kế hoạch sản xuất cho phù hợp, đảm bảo an toàn khi hành nghề.

cấm biển, bão số 10
Các tỉnh Bình Định, Phú Yên đã cấm biển để đảm bảo an toàn cho ngư dân

Bên cạnh việc ban hành lệnh cấm biển, UBND tỉnh Phú Yên cũng có công điện yêu cầu các địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình bão, mưa lũ, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp để ứng phó bão số 10 và mưa lũ kịp thời, hiệu quả; kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực ven biển, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, ngập lụt để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước, thời gian hoàn thành trước 18 giờ ngày 4/11/2020.

Các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở những vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các tuyến đường đi qua ngầm, tràn..., thực hiện biện pháp cảnh báo như cắm biển báo, khu vực nguy hiểm, bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn... để người dân biết, chủ động phòng tránh, hạn chế đi lại.

Tại Bình Định, từ chiều ngày 2/11, tàu cá của ngư dân đã không được ra khơi để bảo đảm an toàn cho người và tàu thuyền trong bão số 10.

Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định yêu cầu Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công an tỉnh, chính quyền các địa phương ven biển nghiêm cấm không cho tàu đánh bắt xa bờ có chiều dài từ 15m trở lên xuất bến kể từ 14h ngày 2/11.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định, Chi cục Thủy sản tỉnh, Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn, chính quyền các địa phương ven biển trong tỉnh Bình Định đã phối hợp với gia đình chủ tàu thông báo, hướng dẫn cho thuyền trưởng tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão số 10 để chủ động phòng tránh. Hiện không có tàu nằm trong vùng nguy hiểm của bão số 10.

Trong khi đó, Quảng Ngãi đã tổ chức sơ tán, di dời dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao, ngập sâu, trũng thấp đến nơi tránh trú an toàn trước 17 giờ ngày 3/11.

Nhận định đây là cơn bão phức tạp, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức sơ tán, di dời dân những nơi có nguy cơ sạt lở cao, ngập sâu, trũng thấp, đặc biệt là người dân ở khu vực đã và đang bị sạt lở đất đến nơi tránh trú an toàn. Đối với những trường hợp không hợp tác thì thực hiện cưỡng chế nếu cần thiết.