Các tỉnh Tây Nguyên chuẩn bị khu cách ly để đón hàng trăm công dân từ vùng có dịch nCoV về nước

(VOH) - Hiện các tỉnh Tây Nguyên chuẩn bị nhiều khu cách ly để đón hàng trăm công dân từ vùng có dịch COVID-19 trở về nước.

Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk sắp tiếp nhận 630 công dân Việt Nam từ các nước có dịch Covid-19 về nước để theo dõi.

Theo đó, có 300 công dân đưa về cách ly tại một doanh trại bộ đội thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk và 330 người về Đắk Nông cách ly tại 2 doanh trại ở TP Gia Nghĩa.

virus corona, covid-19

Phun thuốc khử trùng tại một bệnh viện dã chiến của Quân khu 5. Ảnh: Vietnamnet

Đại tá Lê Mỹ Danh - chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk - cho biết thực hiện theo kế hoạch của Quân khu 5, đơn vị đang cho sửa chữa, lắp đặt thêm giường, kệ, tủ đựng quần áo và nhiều vật dụng khác tại trung đoàn bộ binh 584 (xã Ea Kiết, huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk) để sẵn sàng tiếp đón người dân về.

Đây là một doanh trại cũ, hiện bộ đội đang sơn sửa lại cho mới và phối hợp với ngành y tế tiến hành khử trùng, thiết lập các điều kiện cách ly theo quy định.

Ngoài việc tiếp nhận công dân từ các vùng có dịch, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk cũng tiếp nhận công dân Việt Nam từ các vùng có dịch qua các cửa khẩu đường bộ (cửa khẩu Đắk Ruê, huyện Ea Súp) và đưa về khu cách ly nêu trên để theo dõi.

Theo bà H’Yim Kđoh - phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, tỉnh đang thực hiện công tác phòng dịch COVID hết sức chặt chẽ. Dù chưa có ca nhiễm bệnh nào, nhưng địa phương cũng chuẩn bị các bệnh viện dã chiến nếu có ca nhiễm bệnh, xảy ra lây lan.

"Nếu dịch xảy ra, tỉnh dùng bệnh viện đa khoa tỉnh (cũ, bỏ trống) và bệnh viện lao phổi tỉnh (đều ở TP Buôn Ma Thuột) để lập bệnh viện dã chiến. Nếu số ca nhiễm nhiều nữa, các bệnh viện khu vực như Bệnh viện 333, Bệnh viện đa khoa Krông Búk sẽ trở thành bệnh viện dã chiến, ngăn chặn dịch lây lan", bà H’Yim nói.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh cũng cho biết, tỉnh đã nhận được kế hoạch tiếp nhận 330 công dân Việt Nam và giao Bộ chỉ huy quân sự tỉnh chủ trì, sắp xếp địa điểm cách ly.

Theo đó, số công dân ở vùng có dịch sẽ đưa về 2 doanh trại của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh tại TP Gia Nghĩa để chăm sóc, theo dõi.

“Địa phương thực hiện theo kế hoạch chung của Quân khu 5 trong việc bố trí cơ sở vật chất đủ điều kiện để chăm sóc, điều trị công dân từ vùng có dịch Covid-19 trở về và các phương án xử lý nếu có ca nhiễm.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã yêu cầu tất cả các địa phương phải lập khu cách ly người dân từ những vùng có dịch về bị ho, sốt để theo dõi. Các phương án lập bệnh viện dã chiến nếu có dịch lây lan cũng đã chuẩn bị rất kỹ”, bà Hạnh cho hay.

Lãnh đạo Quân khu 5 cho biết ngay sau khi có quyết định công bố của Chính phủ và Bộ Quốc phòng về dịch bệnh COVID-19, đơn vị đã khẩn cấp thành lập các tổ chuyên khoa tăng cường về hồi sức cấp cứu, lực lượng phản ứng nhanh, phòng chống dịch cơ động tại các đơn vị.

Quân khu cũng phối hợp với Bệnh viện 211 của quân đoàn 3 triển khai phòng chống dịch trên địa bàn Tây Nguyên và Bệnh viện 87 tổng cục Hậu cần phòng chống dịch trên địa bàn phía Nam quân khu.

Đại tá Trần Văn Thanh - Chủ nhiệm quân y, cục hậu cần Quân khu 5, cho biết Trường quân sự Quân khu và Trung tâm huấn luyện quân sự quốc gia 2 là địa điểm chính tiếp nhận người Việt Nam từ các nước có dịch trở về nước.

Cùng với đó chỉ đạo bộ chỉ huy quân sự 11 tỉnh, thành phố thiết lập điểm tiếp nhận bà con trong quá trình cách ly, theo dõi trong 14 ngày.

Ngay từ đầu tháng 2, các đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật, trang bị thiết yếu phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó tư lệnh Quân khu 5 cho biết thêm, với phương châm "4 tại chỗ", sẵn sàng tác chiến tại các đơn vị trực thuộc và trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố. Hiện quân khu đã chuẩn bị khoảng 6.000 chỗ để tiếp nhận công dân về nước phải cách ly, theo dõi.

Bình luận