Cách phòng tránh bệnh Whitmore - "vi khuẩn ăn thịt người"

(VOH) - Trước việc gia tăng các ca mắc bệnh whitmore ở Hà Nội, Hà Tĩnh, Thái Nguyên... Bộ Y tế đã đưa ra hướng dẫn phòng, chống căn bệnh này.

Bệnh Whitmore: Khó lây truyền từ người sang người

Việc phát hiện nhiều ca bệnh Whitmore trong thời gian ngắn đã khiến người dân hoang mang, lo lắng về sự lan truyền hay một dịch bệnh có thể xảy ra. Tuy nhiên, theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh này khó lây truyền từ người sang người.

Những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn nên sử dụng găng tay để bảo đảm vệ sinh và phòng bệnh.

Whitmore, vi khuẩn ăn thịt người

Người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn nên sử dụng găng tay để bảo đảm vệ sinh và phòng bệnh.

Đây là bệnh ít gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở những người mắc bệnh mãn tính.

Bệnh whitmore gặp ở tất cả độ tuổi, cả ở nam và nữ, gặp nhiều hơn ở người có nghề nghiệp tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với đất, nước. Bệnh dễ bị mắc ở những người có các bệnh mãn tính như đái tháo đường, thận, phổi, suy giảm miễn dịch… Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng bao gồm sốt, với các kiểu như sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài, suy hô hấp, loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng.

Ngoài ra, người và động vật có thể nhiễm khuẩn do hít phải hạt nước hoặc bụi có nhiễm vi khuẩn, uống nguồn nước nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc trực tiếp với đất nhiễm khuẩn, đặc biệt là qua xây xước nhỏ ngoài da. Bệnh khó lây truyền từ người sang người.

Hiện chưa có số liệu chính xác về số người mắc bệnh whitmore tại Việt Nam nhưng có ghi nhận một số ca đang điều trị tại các bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. 

Cách phòng tránh bệnh Whitmore 

Hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng. Sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao.

Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch để đảm bảo vệ sinh.

Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei và điều trị kịp thời.

Bình luận