Chờ...

Cần làm rõ chính sách về thu hút nhân tài

(VOH) - Sáng 24/10, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Nhiều đại biểu cho rằng cần có chính sách cụ thể rõ ràng để tuyển dụng được nhân tài thực sự, giữ chân được công chức, viên chức ở lại làm việc.

Luật Cán bộ, công chức hiện hành đã có những quy định về chính sách đối với người có tài năng và một số nghị định của Chính phủ cũng có quy định chi tiết về vấn đề này. Trên cơ sở đó, một số địa phương đã triển khai thực hiện chính sách thu hút nhân tài.

Tuy nhiên, việc tìm kiếm nhân tài vẫn gặp khó. Một nguyên nhân của tình trạng này chính là cơ chế chính sách chưa đủ sức hút đối với người tài.

Trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức lần này, đã sửa đổi, bổ sung quy định chính sách đối với người có tài năng; giao Chính phủ quy định khung cơ chế, chính sách cụ thể. Trên cơ sở quy định khung của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương xây dựng quy định phù hợp với ngành, lĩnh vực, địa phương mình.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa. Ảnh: TTXVN

Theo đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, đoàn Ninh Thuận, nếu quy định được triển khai tốt, đảm bảo theo tinh thần trọng dụng người tài thì sẽ thu hút được nhiều người có tài năng trong bộ máy thực thi công vụ của Nhà nước. Chất lượng thực thi công vụ nhờ đó cũng sẽ được nâng lên.

Tuy nhiên, trong thực tế cho thấy một số quy định pháp luật không đi vào cuộc sống, có quy định pháp luật chỉ được thể hiện trên giấy, không hoặc chậm triển khai. Đại biểu cho rằng cần bổ sung quy định cơ chế phát hiện người có tài năng để không bỏ sót người có tài năng:

"Thực tế cho thấy những người có tài năng thường không hay đòi hỏi quyền lợi cho mình, họ thường chú tâm làm việc, đam mê công việc. Nên theo tôi để thực hiện đúng bản chất cần bổ sung quy định ngay trong dự thảo luật cơ chế phát hiện người có tài năng để không bỏ sót người có tài năng, cơ chế ràng buộc trách nhiệm, thực hiện trách nhiệm với người có tài năng…".

Theo quan điểm của nhiều đại biểu, dự thảo cần bổ sung làm rõ khái niệm người có tài năng trong hoạt động công vụ để áp dụng chung cho tất cả các ngành, nghề, địa phương. Có ý kiến đề nghị bổ sung một số nguyên tắc chung trong việc xác định cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng.

Đại biểu Nguyễn Tạo, đoàn Lâm Đồng nêu ý kiến: "Theo tôi, điều 6 nên thiết kế cụ thể ngắn gon như sau. Khoản 1 thế nào là người có tài năng nên đưa về điều khoản phần giải thích từ ngữ cho rõ ràng, điều 2 nên giữ nguyên như luật hiện hành là hợp lý. Tuy nhiên bởi lẽ không mang tính khả thi trong thực tế bởi không giao cho các cơ quan chức năng thì khoản 2 lần này chúng ta giao cho các cơ quan thẩm quyền của Đảng CSVN và Chính phủ quy định,…".

Góp ý về cán bộ công chức cấp xã và việc liên thông trong đội ngũ công chức, một số ý kiến cho rằng không nên tách công chức cấp xã thành một thể chế riêng. Để giải quyết những vướng mắc về pháp luật tạo sự thống nhất trong bộ máy Nhà nước, theo đại biểu Nguyễn Quốc Hận, đoàn Cà Mau, Quốc hội cần xem xét cho liên thông công chức trong bộ máy nhà nước từ cấp Trung ương đến cấp xã. Bởi trong thực tế vẫn đang tiến hành điều chuyển cán bộ công chức cấp huyện xuống cấp xã khi có nhu cầu. Những cán bộ công chức cấp huyện sau khi luân chuyển về xã sẽ rất khó điều chuyển trở lại làm công chức cấp huyện:

"Từ những cơ sở trên và để giải quyết những vướng mắc về pháp luật, tôi tha thiết yêu cầu Quốc hội cho liên thông công chức từ cấp trung ương đến cấp xã. Tôi tin tưởng việc làm này sẽ tạo được sự phấn đấu nỗ lực hoàn thành tốt hơn của cán bộ cấp xã qua đó cũng chống được nạn tham nhũng vặt, củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước cũng như đây là một trong những nguồn cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho cấp huyện vì lực lượng này đã được tôi luyện từ thực tiễn cơ sở'.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung làm rõ hơn về nguyên tắc, cách thức, giá trị, thẩm quyền, quy trình thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Có ý kiến đề nghị giao cho các Bộ, ngành, cơ quan trực tiếp tuyển dụng kiểm tra chất lượng đầu vào công chức. Có ý kiến đề nghị tiếp tục tổng kết, đánh giá và có lộ trình phù hợp đối với kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Nhiều đại biểu cũng đề nghị Luật cần quy định cụ thể và rõ ràng hơn về việc xử lý cán bộ công chúc đã nghỉ hưu, bị giáng chức, cách thức.

Đại biểu Nguyễn Hồng Vân, đoàn Phú Yên cho rằng: "Tôi đồng tình việc cần thiết đưa biện pháp xử lý đối tượng này vào trong luật. Vấn đề với cán bộ bị xóa tư cách, thì xem xét hậu quả vật chất thì chúng ta dễ dàng tước bỏ của họ những phụ cấp đặc thù hoặc quyền lợi đi khám bảo hiểm.

Nhưng ở đây chúng tôi quan tâm tới những hệ lụy về pháp lý, những quyết định bằng cấp họ ký khi còn đương chức thì những chữ ký đó sau khi bị xóa tư cách liệu có còn hiệu lực?... Tôi nghĩ nên có chương riêng quy định về điều này…".