Tăng tuổi nghỉ hưu căn cứ theo tính chất công việc, điều kiện lao động

(VOH) - Ngày 23/10, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Qua thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng không nên mở rộng khung giờ làm thêm và không nhất trí với cách tiếp cận tăng giờ làm thêm là thể hiện tính nhân văn.

Đánh giá cao Báo cáo đã chuẩn bị công phu, nghiêm túc, nhiều đại biểu nhất trí rằng, việc dự thảo Bộ luật mở rộng phạm vi điều chỉnh với nhóm đối tượng không có quan hệ lao động, nhằm bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động, thúc đẩy chuyển dịch lao động từ khu vực không có quan hệ lao động sang có quan hệ lao động, từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức, để người lao động không có quan hệ lao động được áp dụng một số tiêu chuẩn, điều kiện tiền lương, an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội.

Nêu các dấu mốc lịch sử về quá trình đấu tranh giảm giờ làm trên thế giới, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TPHCM) khẳng định giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người lao động, đồng thời khẳng định làm việc từ trên 40 giờ/tuần trở lên sẽ làm giảm năng suất chung của cả tháng.

Người lao động làm từ 9-10 tiếng một ngày thì gia đình sẽ không hạnh phúc, trên thế giới đã từ bỏ việc tăng giờ làm từ 133 năm trước. Muốn tăng năng suất lao động phải đổi mới công nghệ và đầu tư thiết bị mới.

"Chúng tôi cho rằng, chúng ta nên có lộ trình để chuyển lao động từ 48 giờ xuống 40 giờ trong 10 năm. Trước mắt có thể xuống 44 giờ, và sau đó thì giảm xuống 5 ngày 1 giờ với 1 người lao động. Vấn đề thứ 2 là chúng ta thảo luận làm thêm giờ để làm gì?. Về ngắn hạn của việc làm thêm giờ là chủ doanh nghiệp có thêm lợi nhuận, người lao động thì có thêm thu nhập, nhưng hậu quả lâu dài là sức khỏe giảm sút. Mục tiêu tăng năng suất thì hãy đổi mới công nghệ chứ không phải làm ngược lại", đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nêu ý kiến.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu. Ảnh: SGGP

Trong khi đó, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) đề nghị giữ nguyên quy định về thời giờ làm việc bình thường. Đại biểu cho rằng, nếu rút ngắn hơn nữa thời gian lao động bình thường sẽ làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, gây trở ngại cho việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, khó đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng kiến nghị mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm đối với một số ngành nghề đặc biệt.

Phát biểu tranh luận với ý kiến của đại biểu Vũ Tiến Lộc, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TPHCM), cho biết qua lấy ý kiến của công nhân thì người công nhân không muốn làm thêm giờ mặc dù thực tế họ cần làm thêm giờ vì tiền lương, thu nhập của người công nhân không đủ để trang trải cuộc sống, nhu cầu tối thiểu. Đại biểu nhấn mạnh, sức cạnh tranh của nền kinh tế không nên dựa vào chủ yếu là sức lao động của người lao động mà còn là năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, điều kiện làm việc.

"Người công nhân không muốn làm thêm giờ, dù trên thực tế họ phải làm vì tiền lương của công nhân không đủ để trang trải cuộc sống. Chúng ta hãy nhìn vào thực tế của người công nhân, nhìn vào dáng vẻ tâm thế của người công nhân khi đến làm việc. Nhìn vào cuộc sống của họ và những đứa trẻ mà cha mẹ chúng phải gửi về quê. Có người cha mẹ nào muốn xa con mình hay không? Thậm chí 1 - 2 năm không được về thăm con…", đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm tranh luận.

Nêu thực tế xu hướng sinh ít hiện nay, đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TPHCM) bày tỏ lo ngại trước xu hướng già hóa dân số, đại biểu ủng hộ phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Đại biểu cho rằng, mức tăng và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem đến các yếu tố lĩnh vực, ngành nghề cần được thiết kế linh hoạt hơn: "Tôi mong muốn có phụ lục danh mục những nghề nghiệp cần tăng. Mỗi một nghề nghiệp cần tăng có lộ trình khác nhau. Vì đặc thù, tính chất, môi trường, điều kiện lao động. Nếu tăng đại trà thì sẽ  rất khó khăn, không đạt được sự đồng thuận của xã hội….".

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) nhận định, tuổi nghỉ hưu của Việt Nam tương đối thấp so với thế giới. Bên cạnh đó, việc cân đối quỹ bảo hiểm xã hội cần được cân nhắc do tuổi thọ trung bình đang tăng lên, trong khi thời gian đóng BHXH và tuổi nghỉ hưu giữ nguyên; thời gian hưởng lương kéo dài thì ngân sách của quỹ khó đảm bảo chi trả.

Để bảo đảm các quy định của Bộ luật Lao động (sửa đổi) kịp thời đi vào cuộc sống, đại biểu Nguyễn Hữu Chính nhấn mạnh, nên quy định lộ trình tuổi nghỉ hưu của người lao động từ ngày 1/1/2021 căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường, điều kiện lao động việc làm và cung cầu thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số ngay trong dự thảo luật.

"Cần phải có lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu khác nhau theo từng lĩnh vực một. Căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số, Chính phủ quy định cụ thể lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động". đại biểu Nguyễn Hữu Chính nêu ý kiến.

Cho rằng, số ngày nghỉ lễ ở nước ta còn ít, nhiều đại biểu đề xuất nghỉ thêm từ 1 đến 3 ngày trong năm. Có ý kiến cho rằng có thể thêm ngày nghỉ dịp Quốc khánh 2/9 và dịp Tết dương lịch. Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng: “Ngày nghỉ thêm thứ nhất là ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, tức là ngày 5/9 dương lịch và ngày thứ 2 là ngày gia đình Việt Nam 28/6 dương lịch. Ngày 5/9 là ngày rất có ý nghĩa đối với trẻ em. Nhiều cháu rất thiệt thòi và rất buồn và bố mẹ cũng rất tủi thân vì phải đi làm. Nếu phải chọn 1 trong 2 ngày, thì tôi sẽ chọn ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”.  

Cũng với quan điểm thêm ngày nghỉ lễ sẽ giúp người lao động được nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động, có thời gian chăm lo cho gia đình và góp phần kích thích các ngành dịch vụ phát triển, tại kỳ họp trước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất tăng thêm một ngày nghỉ 27/7 hàng năm nhưng sau đó Bộ đã xin rút đề xuất này do dư luận không đồng tình.

Bình luận