Tại hội nghị chuyên đề về quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động trong doanh nghiệp diễn ra chiều 11/9 tại TPHCM, các đại biểu cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tai nạn trong lao động có rất nhiều, trong đó nguyên nhân cơ bản là do nhận thức và ý thức chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh lao động của nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động chưa tốt.
Các đại biểu chia sẻ tại hội nghị
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, tình hình tai nạn lao động vẫn ngày càng có xu hướng gia tăng. Trong năm 2018 trên toàn quốc đã xảy ra gần 8000 vụ tai nạn lao động làm 8.230 người bị nạn, trong đó có 1.039 người chết, 1.939 người bị thương nặng; 2.667 nạn nhân là lao động nữ…
Nguyên nhân dẫn đến TNLĐ có rất nhiều, trong đó nguyên nhân cơ bản là do nhận thức và ý thức chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh lao động của nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động chưa tốt.
Riêng tại TPHCM, qua công tác điều tra các vụ tai nạn lao động chết người trên địa bàn TP, ghi nhận tình hình tai nạn lao động trong lĩnh vực thi công xây dựng chiếm tỷ lệ cao, cụ thể trong năm 2018 có 55 vụ trên tổng số 86 vụ tai nạn lao động chết người, tai nạn trong công trình công nghiệp là 25 vụ, công trình xây dựng nhà dân là 30 vụ; nguyên nhân chủ yếu là ngã cao và điện giật, phần lớn xảy ra tại các công trình xây dựng dân dụng, nhà ở riêng lẻ do các thầu tư nhân hoặc các công ty xây dựng có quy mô nhỏ nhận thầu thi công hoặc khoán lại cho các nhóm thợ tự tổ chức thi công không hiểu biết hoặc chưa chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật,quy chuẩn kỹ thuật an toàn khi thi công.
Giải pháp để hạn chế tai nạn lao động trong doanh nghiệp được đề xuất là nâng cao chất lượng công tác huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động cho người lao động; kinh nghiệm phối hợp giữa công đoàn và chuyên môn trong quản lý, triển khai và kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động và mạng lưới an toàn vệ sinh viên…
Để đạt được mục tiêu giảm thiểu các vụ tai nạn lao động, cháy nổ, bệnh nghề nghiệp các cấp, các ngành, các đơn vị, doanh nghiệp cần đẩy mạnh tập huấn, tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động, người lao động nắm rõ được các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn vệ sinh lao động phù hợp với ngành nghề sản xuất kinh doanh của đơn vị, doanh nghiệp, tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành TP trong công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuộc danh mục 11 ngành, nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động.
Bên cạnh đó là củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy hoạt động an toàn vệ sinh lao động tại cơ sở, duy trì và phát triển mạng lưới an toàn vệ sinh viên…